Trả lời vướng mắc Quyết toán thuế TNDN năm 2020
Tổng hợp những giải đáp vướng mắc Quyết toán thuế thu nhập Doanh nghiệp năm 2020; Những tình huống thuế thu nhập doanh nghiệp khi quyết toán cuối năm 2020.
– Ngày 11/3/2021, Tổng cục Thuế tổ chức chương trình hỗ trợ trực tuyến về quyết toán thuế TNDN năm 2020 trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế tại địa chỉ http://www.gdt.gov.vn
– Trong thời gian chương trình diễn ra, hàng trăm câu hỏi của NNT đã được Tổng cục Thuế tiếp nhận. Ngày 16/03/2021 Tổng cục thuế đã trả lời vướng mắc của người nộp thuế về nội dung quyết toán thuế THU NHẬP DOANH NGHIỆP năm 2020.
Kế toán IQ xin trích lại cụ thể như sau:
Câu 1: Công ty có một hợp đồng “Cung cấp, lắp đặt hệ thống khóa thẻ từ”. Theo hợp đồng, ngay khi tập kết khóa thẻ từ đến địa điểm thi công (chưa bàn giao hàng hóa, chưa thực hiện lắp đặt), khách hàng sẽ thực hiện thanh toán 60% giá trị hợp đồng và Công ty thực hiện xuất hóa đơn tương ứng cho khoản tiền này. Bên cạnh đó, việc lắp đặt khóa thẻ từ là một phần quan trọng để khách hàng có thể sử dụng hàng hóa này. Xin hỏi Công ty có phải ghi nhận khoản tiền này vào doanh thu từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong kỳ để thực hiện tính thuế TNDN không? Nếu không ghi nhận vào doanh thu từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ thì chúng tôi có thể ghi nhận khoản tiền mà khách hàng trả như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua. Trường hợp doanh nghiệp của bạn chưa bàn giao hàng hóa, chưa thực hiện dịch vụ lắp đặt cho khách hàng theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết thì chưa xác định doanh thu để tính thu nhập doanh nghiệp.
Câu 2: Công ty A là công ty con của Công ty B (B là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tại VN). Công ty A có vay tiền của công ty mẹ tại nước ngoài của Công ty B. Xin hỏi đây có phải là giao dịch liên kết hay không?
Theo công thức tính EBITDA để tính chi phí lãi vay được trừ thì phần chi phí lãi vay là chi phí đã thực trả trong năm hay tính toàn bộ chi phí bao gồm chi phí trích trước?
Chi phí lãi vay bị loại toàn bộ nếu Công ty B lỗ và EBITDA âm có đúng không?
Nếu EBITDA âm mà Công ty A có lãi tiền gửi thì chi phí lãi vay bị loại bằng tổng chi phí lãi vay trừ lãi tiền gửi đúng không?
Trả lời:
Tại điểm a khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“a) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
b) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại điểm a khoản này được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;..”
Chi phí lãi vay được trừ được xác định là chi phí lãi vay hạch toán tương ứng với doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm bao gồm chi phí lãi vay trích trước tương ứng với doanh thu họat động sản xuất kinh doanh.
Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ âm (EBITDA âm) thì phần chi phí lãi vay không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và phần chi phí lãi vay không được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo theo điểm b khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Nếu EBITDA âm mà DN A có lãi tiền gửi thì chi phí lãi vay không được trừ bằng (=) tổng chi phí lãi vay – lãi tiền gửi, lãi cho vay.
Câu 3: Doanh nghiệp quý 1,2,3 không phát sinh thuế TNDN, quý 4 có phát sinh thuế TNDN, nhưng khi quyết toán năm thì không phải nộp thuế TNDN (năm nay có lãi nhưng do kết chuyển lỗ năm trước sang), vậy DN có phải nộp thuế TNDN tạm tính quý 4 không?
Trả lời:
Theo quy định hiện hành, trường hợp sau khi chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm, doanh nghiệp không phát sinh số thuế TNDN phải nộp thì không phải tạm nộp thuế TNDN quý.
Câu 4: Do tình hình dịch Covid, trong năm 2020 Công ty ký hợp đồng lao động với chuyên gia nước ngoài có cam kết trong hợp đồng là chi trả chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị (nếu có) khi vào Việt Nam làm việc nhưng chi phí thuê nhà hàng tháng người lao động tự chi trả. Xin hỏi chi phí cách ly có được tính vào chi phí được trừ của Công ty không?
Trả lời:
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của Chuyên gia nước ngoài. Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
Câu 5: Hưởng ứng công văn kêu gọi từ Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương, Công ty chi hỗ trợ 300 triệu đồng cho công nhân trên địa bàn Bình Dương phải ở lại ăn tết Nguyên Đán do dịch Covid 19, xin hỏi khoản chi phí nêu trên có được ghi nhận là chi phí hợp lý?
Trả lời:
Về việc tính khoản hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, hiện nay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn. Vì vậy, sau khi Nghị định được ban hành, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Câu 6: Trong phần mềm HTKK 4.5.2 , tôi nhập dữ liệu đến phần C1 , còn phần C4 ( thu nhập tính thuế ) thì dữ liệu không vào được , vậy thì dữ liệu có đúng không?
Trả lời:
Hiện tại ứng dụng HTKK 4.5.2 đang hỗ trợ nhập dữ liệu các chỉ tiêu liên quan đến C1, C4 trên tờ khai 03/TNDN như sau:
+ Chỉ tiêu B13 = B12 – B14, cho sửa
+ Chỉ tiêu B14= chỉ tiêu [09] trên phụ lục 03-5/TNDN, cho phép sửa
+ Chỉ tiêu C1 = B13
+ Chỉ tiêu C3= C3a + C3b
Nếu C1 – C2 > 0 thì kiểm tra C3 phải <= C1 – C2 nếu không thỏa mãn thì ứng dụng đưa ra cảnh báo đỏ ở chỉ tiêu C3 ” Lỗ từ năm trước chuyển sang [C3]
phải nhỏ hơn hoặc bằng Thu nhập chịu thuế [C1] trừ Thu nhập miễn thuế [C2]”
Nếu C1 – C2 <= 0 bổ sung kiểm tra C3a, C3b = 0. Nếu vi phạm thì cảnh báo đỏ tại chỉ tiêu vi phạm. Cảnh báo đỏ “C1-C2 <= 0 thì chỉ tiêu C3a phải bằng “0” (các chỉ tiêu còn lại cảnh báo tương tự)
+ Chỉ tiêu C3a = tổng cột 5 phụ lục 03-2A/TNDN
+ Chỉ tiêu C4= C1 –C2 –C3a – C3b. Nếu C4<0 thì C5, C7,C8 =0 và khóa không cho chỉnh sửa. Nếu C4 < 0 thì tự động hiển thị = 0
C4 là chỉ tiêu ứng dụng hỗ trợ tự động tính, phụ thuộc các chỉ liên quan mà bạn đã nhập.
Bạn kiểm tra lại các chỉ tiêu nhập theo hướng dẫn sử dụng phần mềm mà Tổng cục Thuế đã cung cấp để thực hiện kê khai.
Câu 7: Xin hỏi
1. Chi phí năm 2019 nhưng các bộ phận quên đưa chứng từ, cuối năm 2020 kế toán mới nhận được các chứng từ này, vậy các chi phí trên được tính vào chi phí hợp lệ của 2020 không?
2. Lương hiệu quả công việc năm 2020 dự định trả vào tết âm lịch (2021) nhưng do khó khăn kinh tế Công ty chưa trả được cho nhân viên mà trả vào tháng 4 hoặc 5/2021. Vậy Công ty có được tính ghi nhận vào chi phí hợp lệ của năm 2021 không? Nếu không, Công ty được ghi nhận chi phí hợp lệ của khoản chi trả này vào kỳ thuế năm nào?
Trả lời:
1.Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành, các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong kỳ tính thuế phải liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định. Các hóa đơn, chứng từ năm 2019 nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của năm 2019 thì doanh nghiệp thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN năm 2019 theo đúng quy định pháp luật thuế TNDN và quản lý thuế.
2.Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành: Chi tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp phải trả cho người lao động nhưng hết thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm thực tế chưa chi thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Hằng năm DN được trích lập quỹ dự phòng tiền lương không quá 17% quỹ tiền lương thực hiện. Trường hợp, năm trước DN có trích lập quỹ dự phòng tiền lương mà sau 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính, DN chưa sử dụng hoặc sử dụng không hết quỹ dự phòng tiền lương thì DN phải tính giảm chi phí của năm sau.
Do vậy, các khoản chi trả tiền lương sau thời điểm quyết toán thuế thì DN có thể chi từ quỹ dự phòng tiền lương theo quy định nêu trên.
Câu 8: Công ty đầu tư mới 01 hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng có giá trị 14.9 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đầu tư mới 01 hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng với giá trị trên 14.9 tỷ đồng. Cả hai dự án ở huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước. Xin hỏi dự án của Công ty có được hưởng ưu đãi về thuế TNDN là miễm 4 năm đầu, giảm 50% cho năm tiếp theo áp dụng mức thuế suất 10% hay không?
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành thì doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mới (dự án đầu tư độc lập) hoặc dự án đầu tư mở rộng theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
Việc xác định dự án đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trường hợp Quý doanh nghiệp hỏi về đầu tư hệ thống điện mặt trời kết hợp với năng lượng và thực hiện tại địa bàn huyện Lộc Ninh tỉnh Bình Phước (thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn), Quý doanh nghiệp căn cứ quy định tại Luật thuế TNDN số14/2008/QH12, Luật số 32/2013/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành và tình hình thực tế thực hiện dự án đầu tư để xác định mức ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp theo quy định.
Câu 9: Xin hỏi chuyển lãi vay trong tờ khai quyết toán thuế TNDN điền như nào?
Trả lời:
Người nộp thuế có phát sinh chuyển lãi vay không được trừ của kỳ trước được chuyển vào chi phí lãi vay của những năm tiếp theo (không quá 5 năm) theo quy định tại điểm b khoản 3 điều 16 NĐ số 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết thì thực hiện kê khai vào mục IV phụ lục 01 ban hành kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và kê khai vào chỉ tiêu [B11]-các khoản điều chỉnh làm giảm lợi nhuận trước thuế khác trên tờ khai 03/TNDN.
Câu 10: Hợp tác xã chúng tôi thành lập và hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy Hợp tác xã có thuộc trường hợp phải nộp hồ sơ quyết toán thuế Thu nhập Doanh nghiệp không? Các trường hợp không cần nộp gồm những trường hợp nào?
Trả lời:
Theo quy định về pháp luật thuế TNDN, tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã là người nộp thuế TNDN và có nghĩa vụ kê khai thuế quyết toán thuế TNDN theo quy định tại Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Câu 11:
1. Công ty có vay của bên liên kết khi so sánh với giao dịch độc lập thì có lãi suất cao hơn và có tỷ lệ chi phí lãi vay nhỏ hơn 30%. Vậy phần tiền lãi cao hơn so với giao dịch độc lập đó có được tính vào chi phí hợp lý không?
2. Chi phí cách ly, phí xét nghiệm dịch Covid 19 của người lao động nước ngoài do Công ty chi trả có được tính vào chi phí hợp lý không
3. Nếu người nộp thuế có công ty mẹ tối cao ở nước ngoài mà theo quy định phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế thì có kê khai phụ lục IV theo nghị định 132 không?
Trả lời:
1. Trường hợp doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì chi phí phí lãi vay được trừ được xác định theo quy định của Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Đồng thời, công ty phải chứng minh, xác định giá của giao dịch đi vay từ bên liên kết theo nguyên tắc giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh quyết định nghĩa vụ thuế.
2. Chi phí cách ly, phí xét nghiệm dịch Covid 19 của người lao động nước ngoài do công ty trả:
Về vấn đề này, Tổng cục Thuế đã có công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chi phí cách ly phòng chống dịch Covid 19 của Chuyên gia nước ngoài. Căn cứ tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp thì: Đối với chi phí cách ly tại khách sạn và chi phí điều trị cho chuyên gia nước ngoài mà doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định.
3. Nếu người nộp thuế có công ty mẹ tối cao ở nước ngoài mà theo quy định phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế nước sở tại (nước của Công ty mẹ cư trú) thì không phải kê khai phụ lục IV theo nghị định 132/2020/NĐ-CP. Trong trường hợp này, nghĩa vụ liên quan đến báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của Công ty con tại Việt Nam được thực hiện theo điểm, c, d, đ khoản 5 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Câu 12: Năm 2020 Công ty có trường hợp có người lao động nước ngoài sang VN làm việc nhưng phải thực hiện theo Nghị Quyết 28/NQ-CP ngày 10/3/2020 của Chính phủ về việc thực hiện cách ly, theo quy định sau khi có chứng chỉ cách ly thì mới làm được giấy phép lao động. Vậy chi phí tiền lương của người lao động nước ngoài sau khi hoàn thành cách ly phát sinh trong thời gian chờ giấy phép lao động thì có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?
Trả lời:
Vấn đề này Tổng cục Thuế đã có công văn số 357/TCT-CS ngày 30/01/2019 gửi Cục Thuế TP Hà Nội trong đó có hướng dẫn: Trường hợp doanh nghiệp có thuê lao động nước ngoài để thực hiện các công việc tại Việt Nam nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp giấy phép lao động theo quy định của Bộ Luật lao động thì chưa có đủ cơ sở tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và chưa có đủ cơ sở khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các khoản chi phí doanh nghiệp chi trả cho người lao động nêu trên.
Câu 13: Xin hỏi những trường hợp nào được giảm 30% thuế TNDN năm 2020?
Trả lời: Đối tượng được giảm 30% thuế TNDN năm 2020 thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 116/2020/QH14 và Nghị định số 114/2020/NĐ-CP. Theo đó, Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp tổ chức có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Tổ chức bao gồm:
1. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
2. Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
3. Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Câu 14: Công ty hiện mới mua 1 tàu biển đã qua sử dụng mang đăng kiểm cờ nước ngoài, để tàu được phép hoạt động, phải được đăng kiểm nước ngoài cấp chứng nhận về hệ thống máy móc, thiết bị, kỹ thuật an toàn tàu. Bên đăng kiểm định kỳ sẽ phát hành chứng nhận 5 năm 1 lần, trong đó có các lần khảo sát như sau:
– Định kỳ hàng năm (annual survey)
– 2.5 năm 1 lần (inter survey)
– 5 năm 1 lần (dry dock)
Nếu đã làm 5 năm thì không làm 2.5 năm, làm 2.5 năm thì không làm định kỳ hàng năm nữa.
Đối với tàu mà Công ty đang sở hữu, 2 năm nữa sẽ đến kỳ làm chứng nhận 5 năm. Chi phí cho việc này khoảng 1 triệu USD trở lên, và bộ phận kỹ thuật của Công ty có thể đưa ra các dự toán từ bây giờ. Xin hỏi Công ty có được phép trích trước khoản chi phí này vào CP SXKD trong kỳ được không?
Trả lời:
Theo quy định tại văn bản pháp luật thuế TNDN, các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN phải liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định.
– Về các khoản chi phí trích trước theo kỳ hạn, theo chu kỳ mà đến hết kỳ hạn, hết chu kỳ chưa chi hoặc chi không hết không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
+ Các khoản trích trước bao gồm: trích trước về sửa chữa lớn tài sản cố định theo chu kỳ, các khoản trích trước đối với hoạt động đã tính doanh thu nhưng còn tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng (kể cả trường hợp doanh nghiệp có hoạt động cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh dịch vụ trong nhiều năm nhưng có thu tiền trước của khách hàng và đã tính toàn bộ vào doanh thu của năm thu tiền) và các khoản trích trước khác.
+ Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh đã ghi nhận doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa phát sinh đầy đủ chi phí thì được trích trước các khoản chi phí theo quy định vào chi phí được trừ tương ứng với doanh thu đã ghi nhận khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Khi kết thúc hợp đồng, doanh nghiệp phải tính toán xác định chính xác số chi phí thực tế căn cứ các hoá đơn, chứng từ hợp pháp thực tế đã phát sinh để điều chỉnh tăng chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh lớn hơn số đã trích trước) hoặc giảm chi phí (trường hợp chi phí thực tế phát sinh nhỏ hơn số đã trích trước) vào kỳ tính thuế kết thúc hợp đồng.
Câu 15: Năm 2020 vì dịch bệnh nên Công ty nghỉ và không sản xuất thêm hàng hóa, chỉ tiêu thụ hàng tồn của 2019. Xin hỏi chi phí khấu hao máy móc sản xuất trong 2020 và chi phí nhân công sản xuất 1 tháng đầu năm (chỉ dọn dẹp khu sản xuất) thì chúng tôi có được tính là chi phí được trừ trong năm 2020 không? Nếu được trừ thì chúng tôi hạch toán vào chi phí quản lý hay chi phí sản xuất? Vì nếu cho vào chi phí máy móc sản xuất thì lại không có sản phẩm sản xuất ra.
Trả lời:
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số TSCĐ dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì khoản chi phí khấu hao TSCĐ này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Về chi phí tiền lương thực hiện theo quy định hiện hành.
Câu 16: Trong quá trình gửi báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo PP trực tiếp mẫu số B03-DN tại cột mã số 22 đơn vị không ghi được số âm? Xin hỏi làm thế nào để khắc phục?
Trả lời:
Hiện nay Tổng cục Thuế đã nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ kê khai (HTKK) để khắc phục lỗi này. Đề nghị Quý đơn vị theo dõi, cập nhật phiên bản mới của ứng dụng để thực hiện kê khai.
Câu 17: Công ty chúng tôi có khoản lỗ chênh lệch tỷ đánh giá lại các khoản mục tiền có gốc ngoại tệ năm 2019 đã loại ra khỏi chi phí tính thuế TNDN năm 2019, vậy năm nay làm quyết toán thuế TNDN năm 2020 tôi có được tính lại khoản lỗ này là chi phí được trừ không?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính) hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ tính thuế (trừ lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản nợ phải trả cuối kỳ tính thuế) là khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đề nghị doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên để thực hiện.
Câu 18: Công ty cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế, cước tính dựa trên khối lượng chuyên chở nhân với đơn giá, thông thường sau khi đã xếp hàng lên tàu xong, xác định được lượng hàng, Công ty sẽ thực hiện xuất hóa đơn và yêu cầu khách hàng thanh toán trong vòng 3-5 ngày từ ngày xuất hóa đơn; thời gian tàu chạy đến cảng dỡ và thực hiện dỡ hàng xong trung bình khoảng 20-25 ngày. Xin hỏi, thời điểm ghi nhận doanh thu đối với hoạt động trên là thời điểm nào? Trong trường hợp đến ngày 31/12/2020; tàu đã xếp xong hàng, nhưng chưa về đến cảng dỡ và dỡ hàng thì có cần xác định phần dịch vụ hoàn thành tính đến 31/12 để ghi nhận vào doanh thu không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc hoàn thành từng phần việc cung ứng dịch vụ cho người mua. Trên cơ sở hợp đồng cung cấp dịch vụ đã ký kết, nếu trường hợp doanh nghiệp của bạn chưa hoàn thành dịch vụ cho khách hàng thì chưa xác định doanh thu để tính thu nhập doanh nghiệp.
Câu 19: Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định doanh nghiệp được chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ. Năm 2015 Công ty lỗ, bắt đầu 2016 lãi và năm 2016, 2017 Công ty đã làm chuyển lỗ nhưng vẫn chưa hết. Năm 2018, 2019 Công ty quên không chuyển lỗ, Công ty không muốn nộp lại BCTC năm 2018, 2019 thì năm 2020 này vẫn trong vòng 5 năm Công ty có thể chuyển số lỗ còn lại vào năm 2020 không?
Trả lời:
Theo quy định khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC: “2. Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập (thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.” Trường hợp doanh nghiệp của bạn không thực hiện chuyển lỗ liên tục số lỗ phát sinh của năm 2015 (quên chuyển lỗ vào năm 2018, 2019) là chưa đúng quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 78/2014/TT-BTC nêu trên. Vì vậy, nếu doanh nghiệp chưa được thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp đối với kỳ tính thuế TNDN năm 2018 và 2019 thì thực hiện kê khai bổ sung hồ sơ khai thuế TNDN năm 2018 và 2019 theo quy định của pháp luật về quản lý thuế để thực hiện chuyển lỗ phát sinh của năm 2015 vào 2 năm đó.
Câu 20: Doanh nghiệp có hợp đồng cho thuê kho thời gian 3 năm (từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2023). Công ty đã xuất hóa đơn cho thuê kho thời gian 01 năm (từ tháng 6/2020 đến tháng 6/2021) và đã thu tiền. Vậy doanh thu tính thuế TNDN năm 2020 là số tiền cho thuê 6 tháng năm 2020 hay doanh thu đã xuất hóa đơn? Doanh nghiệp có trụ sở và địa điểm kinh doanh trong khu công nghiệp Kim Thành – tỉnh Lào Cai thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN như thế nào? Doanh thu cho thuê kho bãi có được ưu đãi miễn giảm thuế không?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền bên thuê trả từng kỳ theo hợp đồng thuê. Trường hợp bên thuê trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
Doanh nghiệp căn cứ điều kiện thực hiện chế độ kế toán, hoá đơn chứng từ thực tế và việc xác định chi phí, có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau: (1) Là số tiền cho thuê tài sản của từng năm được xác định bằng (=) số tiền trả trước chia (:) số năm trả tiền trước ; (2) Là toàn bộ số tiền cho thuê tài sản của số năm trả tiền trước.
-Theo quy định của pháp luật về thuế TNDN hiện hành, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư mới (dự án đầu tư độc lập) hoặc dự án đầu tư mở rộng theo điều kiện địa bàn ưu đãi đầu tư hoặc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.
DN có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn thì thu nhập được hưởng ưu đãi là toàn bộ thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của dự án đầu tư trên địa bàn ưu đãi trừ các khoản thu nhập không được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật thuế TNDN.
Nếu DN có dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn ưu đãi trong quá trình hoạt động có phát sinh hoạt động thương mại nhưng không gắn với dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi thì thu nhập từ hoạt động thương mại này không được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Trường hợp doanh nghiệp hỏi chưa nêu cụ thể tình hình thực tế doanh nghiệp có thực hiện dự án đầu tư hay không, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, do đó đề nghị doanh nghiệp căn cứ hồ sơ thực tế của đơn vị liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể về ưu đãi thuế TNDN.
Câu 21: Công ty có một số công nợ phải trả, phải thu đã trên 3 năm và kiểm toán có yêu cầu trích lập dự phòng cho các khoản phải trả, phải thu thu này. Xin hỏi:
1. Hồ sơ chứng từ cần thiết để phục vụ cho việc lập dự phòng là gì?
2. Để được tính chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN thì Công ty cần lưu ý gì khi lập dự phòng?
Trả lời:
– Quy định về trích lập dự phòng phải thu khó đòi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 48/2019/TT-BTC ngày 08/08/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và xử lý các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư, dự phòng tổn thất nợ phải thu khó đòi và dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng tại doanh nghiệp.
Theo quy định pháp luật thuế TNDN: khoản trích, lập và sử dụng dự phòng phải thu khó đòi không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng thì không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Câu 22: Công ty không có quỹ phúc lợi, hàng năm vào dịp tết Trung Thu và Tết Nguyên đán đều có mua quà (bánh Trung thu / bánh/ quà tết) tặng nhân viên.
Xin hỏi phần chi phí quà tặng này Công ty có được đưa vào chi phí khi tính thuế TNDN không, và phần quà này Công ty có phải xuất hóa đơn ra không?
Trả lời:
Tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Căn cứ quy định trên thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định và tổng số chi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế.
Câu 23: Năm 2020 DN thay đổi công nghệ sản xuất nên có 3 chuyền không hoạt động thường xuyên, có chuyền hoạt động 1 tháng/năm, chuyền hoạt động 3 tháng /năm. Vậy chi phí khấu hao, chi phí khác: lương, phân bổ chi phí trả trước … hàng tháng cho các chuyền này có được tính chi phí hợp lệ khi quyết toán thuế TNDN không? Hiện tại khi hạch toán thì DN để chi phí trên tài khoản 632 có hợp lệ không?
Trả lời:
Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã có công văn số 12452/BTC-TCT ngày 09/10/2020. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19, Bộ Tài chính hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng hoạt động một số TSCĐ dưới 9 tháng trong kỳ tính thuế TNDN năm 2020, sau đó TSCĐ tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì khoản chi phí khấu hao TSCĐ này được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Câu 24: Công ty có hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), năm 2020 Công ty có doanh thu 18 tỷ đồng thuộc diện được miễn giảm thuế TNDN 30% nhưng trên tờ khai quyết toán thuế 03/TNDN chỉ có mục miễn giảm thuế cho hoạt động SXKD còn hoạt động BĐS thì không có dẫn tới số thuế được miễn giảm không thể hiện trên tờ khai nên phát sinh chậm nộp nhiều (có kèm theo phụ lục 03-5 và phụ lục 114 thể hiện số thuế được miễn giảm của BĐS ạ). Vậy Công ty có được miễn giảm không?
– Trên tờ khai chỉ thể hiện số thuế đã tạm nộp trong năm 2020 nhưng hoạt động BĐS Công ty tạm nộp của những năm trước 1% giờ muốn bù vào số tiền phải nộp năm nay thì điền vào mẫu biểu nào?
Trả lời:
Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm thuế TNDN theo quy định tại Nghị định 114/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp lập mẫu Phụ lục PL114/2020/NĐ-CP ban hành kèm theo Nghị định, theo đó chỉ tiêu [16] – Số thuế TNDN được giảm của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Phụ lục này được kê khai giảm trực tiếp trên chỉ tiêu [D2] của tờ khai quyết toán thuế TNDN (03-1A).
Đối với số thuế đã tạm nộp trong những năm trước cho nghĩa vụ thuế phát sinh phải nộp được kê khai quyết toán trong năm nay theo quy định của pháp luật thuế TNDN, doanh nghiệp liên hệ cơ quan thuế quản lý để được đối chiếu và xác định việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định.
Câu 25: Doanh thu áp dụng miễn thuế theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP là doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Vậy trong năm doanh nghiệp có doanh thu từ các loại sau:
– Doanh thu bán hàng thành phẩm
– Doanh thu thanh lý TSCĐ
– Doanh thu lãi tiền cho vay
Vậy doanh nghiệp lấy doanh thu của hoạt động nào để áp dụng tính miễn giảm?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Câu 26: Công ty thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các công trình. Một số công trình đã lắp đặt hệ thống và nghiệm thu để đấu nối với cơ quan điện lực trước ngày 31/12/2020 để các khách hàng có được mức giá điện ưu đãi. Tuy nhiên thực tế công trình vẫn chưa hoàn thành 100% do còn một số hạng mục khác, ví dụ: dọn dẹp,… Vậy khoản doanh thu từ lắp đặt hệ thống điện này sẽ được ghi nhận vào năm 2020 hay sẽ căn cứ vào hóa đơn năm 2021?
Trả lời:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định tại điểm m khoản 3 Điều 5 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC) đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt nghiệm thu. Do đó, công trình đã nghiệm thu, xuất hóa đơn trong năm 2020 thì phải ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN năm 2020.
Câu 27: Doanh nghiệp hiện tại đang xây dựng dự án mới cùng tỉnh. Dự án hiện đã hoàn thành việc xây dựng và đang trong thời gian lắp đặt máy móc. Trong thời gian thực hiện Dự án có phát sinh chi phí bảo hiểm tài sản. Và chi phí bảo hiểm này đã được Doanh nghiệp phân bổ theo thời gian bảo hiểm và ghi nhận vào chi phí trong năm 2020. Vậy xin cho hỏi, chi phí bảo hiểm tài sản từ tháng 01 đến tháng 12/2020 cho dự án mới này có được ghi nhận là chi phí hợp lý hợp lệ khi quyết toán thuế TNDN?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, về nguyên tắc doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ các khoản chi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trường hợp dự án đang trong giai đoạn đầu tư thì các khoản chi phí trong giai đoạn đầu tư sẽ tính vào giá trị đầu tư của dự án. Trường hợp dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì các khoản chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Do đó, doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với khoản chi cụ thể của doanh nghiệp để xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định.
Câu 28:
1.Thuê nhà của giám đốc làm văn phòng có là giao dịch liên kết không?
2.Hiện tại hóa đơn đầu vào, đầu ra, sổ kế toán có thể lưu theo hình thức điện tử, không cần in ra, vậy có phải in phiếu nhập- xuất hàng không hay chỉ cần lưu file theo hình thức điện tử?
Trả lời:
1. Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP giao dịch thuê nhà của giám đốc làm văn phòng không phải là giao dịch liên kết.
2. Sổ sách kế toán Công ty thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ.
Câu 29: Doanh nghiệp đã nộp báo cáo tài chính trên hệ thống nộp thuế điện tử nhưng chưa nộp phụ lục thuyết minh BCTC. Khi doanh nghiệp tra cứu lại để nộp phụ lục thuyết minh báo cáo tài chính thì không hiển thị để nộp được. Xin hỏi phải xử lý trường hợp này như thế nào?
Trả lời:
Để nộp phụ lục thuyết minh báo cáo tài chính trên hệ thống dịch vụ thuế điện tử bạn thực hiện như sau:
– Vào hệ thống dịch vụ thuế điện tử theo đường dẫn: https://thuedientu.gdt.gov.vn/etaxnnt/
– Đăng nhập bằng tài khoản dùng để nộp tờ khai của doanh nghiệp
– Vào chức năng Tra cứu tờ khai, nhập điều kiện tra cứu là mẫu tờ khai BCTC cần nộp phụ lục
– Tại màn hình kết quả tra cứu thì nhấn vào biểu tượng tại cột Gửi phụ lục –> chọn loại Phụ lục là “Thuyết minh báo cáo tài chính” –> tải file phụ lục thuyết minh trên máy tính của bạn.
– Sau khi tải xong thì thực hiện ký điện tử và nộp tờ khai.
Câu 30: Xin hỏi
1. Theo Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2002 cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 là khoản chi phí hợp lý được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy đối tượng nào được nhận đóng góp và chứng từ như thế nào để được chấp nhận chi phí hợp lệ?
2. Chi phí hỗ trợ Covid-19 cho nhân viên gồm chi phí mua khẩu trang, nước rửa tay, chi phí cách ly, chi phí xét nghiệm Covid có được chấp nhận chi phí hợp lệ không?
Trả lời:
Về việc tính khoản hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN, hiện nay Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn. Vì vậy, sau khi Nghị định được ban hành, đề nghị doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.
Câu 31: Xin hỏi Công ty không phát sinh hóa đơn thì có phải làm báo cáo tài chính không? nếu có thì phải nộp những giấy tờ gì?
Trả lời:
Doanh nghiệp thực hiện lập báo cáo tài chính theo các quy định của pháp luật về kế toán. Trường hợp là doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính để nộp cho cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư số 132/2018/TT-BTC ngày 28/12/2018 của Bộ Tài chính.
Câu 32: Xin hỏi các nghiệp vụ sau có phải là giao dịch liên kết không:
– Doanh nghiệp mượn tiền không lãi suất của Giám đốc công ty
– Doanh nghiệp thuê nhà cuả Giám đốc làm văn phòng.
Trả lời:
Theo quy định tại NĐ số 132/2020/NĐ-CP thì:
– Trường hợp giám đốc điều hành, kiểm soát DN, nếu DN vay mượn của giám đốc Công ty có ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay tiền là giao dịch liên kết.
– Giao dịch thuê nhà của giám đốc làm văn phòng không phải là giao dịch liên kết.
Câu 33: Theo khoản 5, Điều 18, Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về nghĩa vụ nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, Công ty chúng tôi có Công ty mẹ tối cao tại Canada, chúng tôi không rõ giữa Canada và Việt Nam đã có Thỏa thuận cơ chế trao đổi thông tin tự động hay chưa, vậy chúng tôi có phải nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho Cơ quan quản lý thuế không và thời hạn nộp báo cáo là thời điểm nào?
Trả lời:
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình trao đổi để ký kết thỏa thuận trao đổi thông tin tự động về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia với các nước. Tới thời điểm hiện tại Việt Nam và Canada chưa ký thỏa thuận trao đổi thông tin tự động về báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Do đó, về nghĩa vụ liên quan đến báo cáo lợi nhuận liên quốc gia, Công ty thực hiện theo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 5 Điều 18 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Thời hạn nộp cho Cơ quan thuế chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao.
Câu 34: Công ty trong năm có phát sinh khoản chi khen thưởng sáng kiến cho người lao động liên quan đến các sáng kiến cải tạo máy móc thiết bị để nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu đầu vào. Xin hỏi khoản chi phí này có được ghi nhận vào quỹ khoa học công nghệ không? Có tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không? Chỉ tiêu quỹ khoa học công nghệ được trình bày trên Tờ khai Quyết toán thuế TNDN như thế nào?
Trả lời:
– Tại chương II (điều 7,8,9,10,11) Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Tài chính quy định về các nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp căn cứ quy định tại Thông tư liên tịch số 12 nêu trên để rà soát các khoản chi cụ thể của doanh nghiệp, nếu các khoản chi của doanh nghiệp thuộc khoản chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thì được ghi nhận vào khoản chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ và không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
– Chỉ tiêu Quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp thể hiện trên chỉ tiêu C5 của tờ khai quyết toán thuế TNDN.
Câu 35: Công ty được Sở KHĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 29/03/2020, ngành nghề kinh doanh chính là lập trình máy vi tính, sản xuất phần mềm. Công ty có vốn đầu tư trong nước thì có được xem là một dự án đầu tư sản xuất phần mềm và được hưởng ưu đãi thuế TNDN không?
– Nếu được thì mức được hưởng miễn, giảm thuế như thế nào?
– Năm 2020 Công ty lỗ 86,3 triệu, năm 2021 lãi 89,1 triệu, vậy trên phụ lục 03-3A tại mục 2.3 thời gian miễn thuế 4 năm kể từ năm 2021, và mục 2.4 thời gian giảm thuế 50% là 9 năm kể từ năm 2025, như vậy có đúng không?
Trả lời:
Về chính sách ưu đãi thuế TNDN được thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế (Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015).
– Về xác định lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành (Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 và Thông tư số 09/2013/TT-BTTTT ngày 08/04/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Do đó, trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh sản xuất phần mềm đáp ứng quy định tại Thông tư số 13/2020/TT-BTTTT và đáp ứng quy định là dự án đầu tư mới quy định tại Luật thuế TNDN thì được hưởng ưu đãi về thuế TNDN theo quy định.
Câu 36: Doanh nghiệp thương mại có các cửa hàng trực thuộc, nhằm cải tạo cảnh quang môi trường xanh- sạch- đẹp tại các Cửa hàng, Doanh nghiệp có trồng các loại cây tại Cửa hàng, vậy chi phí trồng cây này có được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, về nguyên tắc doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ các khoản đáp ứng đủ các điều kiện sau: Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật; Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Do đó, doanh nghiệp căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với khoản chi cụ thể của doanh nghiệp để xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Câu 37: Công ty có trụ sở chính tại TP. Cần Thơ và mở Chi nhánh khác tỉnh hoạch toán phụ thuộc, khi điều chuyển hàng hoá sử dụng hoá đơn GTGT để xuất hàng hoá bằng giá vốn. Do vậy Doanh thu tính thuế TNDN và Doanh thu tính thuế GTGT một phần không đồng nhất như sau: Khi Quyết toán thuế TNDN có tổng doanh thu dưới 200 tỷ còn Quyết toán thuế GTGT có tổng doanh thu trên 200 tỷ. Vì vậy cho Em hỏi Công ty có được giảm 30% thuế TNDN theo Nghị định số 114/2020/NĐ-CP không và cách quyết toán thuế TNDN – Báo Cáo Tài Chính cho trường hợp này là như thế nào?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng.”
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Câu 38: Công ty chúng tôi là công ty nước ngoài nằm trong khu công nghiệp, được hưởng ưu đãi thuế TNDN đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, có phát sinh khoản gửi tiết kiệm có lãi. Xin hỏi lãi tiền gửi này có được hưởng ưu đãi miễn thuế của dự án này không?
Trả lời:
Tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định:
“1. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
“3. Không áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và không áp dụng thuế suất 20% (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc diện áp dụng thuế suất 20% theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) đối với các khoản thu nhập sau:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ thu nhập từ đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội quy định tại điểm d Khoản 3 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC); thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.
b) Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản.
c) Thu nhập từ kinh doanh dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.”.
Tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài quy định:
“2. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:
4. Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư xác định ưu đãi như sau: ….
b) Doanh nghiệp có dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn (bao gồm cả khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao) thì thu nhập được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là toàn bộ thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu đãi trừ các khoản thu nhập nêu tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều này”.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện ưu đãi về địa bàn (dự án đầu tư trong khu công nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập) thì thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN là thu nhập phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ưu đãi trừ các khoản thu nhập nêu tại điểm a, b, c Khoản 3 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC).
Câu 39: Xin hỏi mức thuế suất để tính thuế TNDN và chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với những dự án doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời trên 50 Kwp?
Trả lời:
Tại Điều 10 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định thuế suất thuế TNDN hiện hành là 20%.
Tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ưu đãi thuế TNDN như sau:
“Điều 15. Thuế suất ưu đãi
1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với:
…
b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc các lĩnh vực: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao; đầu tư xây dựng – kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.
…”.
“Điều 16. Miễn thuế, giảm thuế
1. Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với:
a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định này;”.
Theo quy định nêu trên, dự án đầu tư mới sản xuất điện năng lượng mặt trời nếu thuộc lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch thì được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 16 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP.
Liên quan đến ưu đãi thuế TNDN đối với dự án điện mặt trời trên mái nhà, Bộ Tài chính đã có công văn số 1543/BTC-CST ngày 31/01/2019.
Đề nghị DN căn cứ quy định nêu trên và dự án đầu tư cụ thể của doanh nghiệp để xác định ưu đãi thuế TNDN theo quy định.
Câu 40: DN là Công ty TNHH MTV 100% vốn nước ngoài, có doanh thu hàng năm 100% từ xuất khẩu và trong đó 90% là từ Công ty mẹ. Công ty có vay tiền từ chính Công ty mẹ. Năm 2018, chi phí lãi vay chưa thanh toán là 500 triệu đồng, năm 2019 là 600 triệu đồng (Công ty không tính vào chi phí được trừ của cả hai năm do chưa thanh toán). Năm 2020, Công ty thanh toán lãi vay năm 2018&2019 là 1.1 tỷ đồng (đã kê khai và nộp thuế nhà thầu). Theo NĐ 132/2020, mức trần lãi vay được trừ năm 2020 là: 1.2 tỷ đồng. Vậy khoản lãi vay của năm 2018&2019 đã thanh toán năm 2020 có được tính vào chi phí được trừ năm 2020 không?
Trả lời:
Công ty vay tiền của Công ty mẹ, năm 2018 chưa thanh toán 500 triệu đồng, năm 2019 là 600 triệu đồng thì khoản chi phí lãi vay của 2 năm chưa thanh toán là chi phí lãi vay phát sinh tương ứng với doanh thu của kỳ tính thuế năm 2018 và năm 2019. Công ty phải xác định chi phí lãi vay được trừ của năm 2018, 2019 theo quy định của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP nếu thuộc phạm vi điều chỉnh của 2 Nghị định này.
Thời điểm Công ty chi trả chi phí lãi vay vào năm 2020 không tương ứng với doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh của năm 2020 nên Công ty không được tính vào chi phí được trừ của năm 2020.
Câu 41: Đơn vị tôi đang công tác năm 2020 có phát sinh giao dịch liên kết. Trong năm doanh thu thực hiện là: 120 tỷ đồng; Giá trị giao dịch liên kết là: 1.7 tỷ đồng. Như vây đơn vị tôi có được miễn nghĩa vụ kê khai, miễn trừ việc nộp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không?
Trả lời:
Theo quy định điểm a khoản 2 Điều 19: Người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết khi đáp ứng cả 2 điều kiện: (1) tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và (2) tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Trong năm doanh thu thực hiện của Công ty là 120 tỷ đồng; Giá trị giao dịch liên kết là 1.7 tỷ đồng thì Công ty không thuộc đối tượng được miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết. Công ty phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.
Câu 42: Công ty có chỉnh sửa tờ khai thuế TNDN năm 2017 & 2018 và kết xuất file từ HTKK 4.5.2 để upload lên hệ thống thuế. Tuy nhiên không xuất được file dạng XML (phần mềm báo “Có lỗi xảy ra khi kết xuất tờ khai xml”) nhưng không thấy báo chỗ sửa lỗi. Xin hỏi phải xử lý như thế nào?
Trả lời:
Trường hợp này cần kiểm tra cụ thể dữ liệu bạn nhập nên bạn liên hệ với Nhóm hỗ trợ thuế điện tử của Tổng cục Thuế theo email nhomhttdt@gdt.gov.vn để được hỗ trợ.
Câu 43: Trong năm 2020, Công ty chúng tôi có vay vốn của ngân hàng thương mại để phục vụ hoạt động kinh doanh với tỉ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu. Vậy trường hợp này có phải là giao dịch liên kết không? Tỉ lệ 25% theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP là tính trên số dư nợ vay hay trên từng món vay?
Trả lời:
– Về việc xác định giao dịch liên kết: Tại điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định: “d) Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.”
Trường hợp Công ty vay của ngân hàng thương mại với tỷ lệ trên 25% vốn chủ sở hữu và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn được xác định là các bên có quan hệ liên kết. Khi đó giao dịch phát sinh giữa 02 bên là giao dịch liên kết.
– Về việc xác định tỷ lệ 25% trên vốn chủ sở hữu được tính trên tổng số dư nợ vay.
Câu 44: Công ty tôi thành lập 7/12/2020, chỉ phát sinh 2 hóa đơn điện tử về mua phần mềm kế toán và mua chữ ký số chứ chưa có hoạt động gì. Công ty đã làm công văn xin được gộp BCTC 2020 vào BCTC 2021 và nộp lên bộ phận một cửa. Vậy doanh nghiệp không cần làm BCTC 2020 và quyết toán thuế TNDN 2020, quyết toán TNCN 2020 có đúng không?
Trả lời:
Trường hợp doanh nghiệp thành lập ngày 07/12/2020 có năm tài chính theo năm dương lịch (01/01-31/12) thì doanh nghiệp có thể cộng gộp thời gian từ ngày 07/12/2020 đến ngày 31/12/2020 của kỳ tính thuế năm 2020 vào kỳ tính thuế năm 2021 để hình thành kỳ tính thuế đầu tiên. Doanh nghiệp đã làm công văn đề nghị gộp kỳ gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định thì không phải nộp hồ sơ khai quyết toán và BCTC năm 2020.
Trong năm 2020 Doanh nghiệp không phát sinh chi trả thu nhập cá nhân thì không phải khai quyết toán thuế TNCN năm 2020.
Câu 45:
1. DN có thuê nhà xưởng thời hạn là 3 năm (Từ năm 2019 đến năm 2022). Căn cứ vào hợp đồng thuê DN được cấp giấy chứng nhận đầu tư ghi:”Thời gian hoạt động của dự án đến 31/03/2022″. DN đang được ưu đãi miễn thuế TNDN 2 năm, giảm thuế TNDN 4 năm, khi gia hạn thì có được hưởng ưu đãi nữa không hay chỉ hưởng ưu đãi theo giấy chứng nhận lần đầu đến thời điểm kết thúc dự án theo giấy chứng nhận lần đầu là ngày 31/03/2022?
2. DN năm 2019 thành lập có lỗ, năm 2020 cũng bị lỗ, vậy có cần điền số lỗ phát sinh trên phụ lục số 03-2a (chuyển lỗ từ hoạt động sxkd) số lỗ phát sinh trong năm 2019 và 2020 hay không?
Trả lời:
1. Doanh nghiệp hết thời gian hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, nếu có thực hiện gia hạn thời gian hoạt động của dự án thì doanh nghiệp không được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo diện dự án đầu tư mới đối với thời gian gia hạn.
2. Do năm 2020 doanh nghiệp bị lỗ nên không thực hiện chuyển lỗ năm 2019 vào năm 2020. Vì vậy, không điền số lỗ phát sinh trên phụ lục số 03-2a (chuyển lỗ từ hoạt động sxkd) số lỗ phát sinh trong năm 2019 và 2020.
Câu 46: Xin hỏi phương pháp xác định doanh thu để tính ưu đãi thuế TNDN của năm 2020 là gì? Đối với doanh thu của hàng hóa xuất khẩu thì doanh thu để xác định giảm 30 % thuế TNDN năm 2020 có bao gồm doanh thu xuất khẩu không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Câu 47: Năm 2020 Công ty có doanh thu về cung cấp hàng hóa là 198 tỷ, doanh thu hoạt động tài chính lãi tiền gửi ngân hàng là 1 tỷ, thu nhập khác về thanh lý tài sản là 2,1 tỷ. Vậy doanh thu để xác định điều kiện hưởng giảm 30% thuế TNDN của Công ty là bao nhiêu? Công ty có được hưởng miễn giảm 30% thuế TNDN không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Câu 48: Doanh nghiệp có Chi nhánh, địa điểm kinh doanh hưởng ưu đãi thì khai ở nơi đặt Chi nhánh, địa điểm kinh doanh, xin hỏi trường hợp đó áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020 hay năm 2021?
Trả lời:
Tại Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 12 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về nộp hò sơ khai thuế TNDN áp dụng cho năm 2020 như sau:
“Điều 12. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp
1. Trách nhiệm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế
a) Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
b) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.
c) Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.
d) Trường hợp người nộp thuế có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi có trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.
đ) Đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty có đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc nếu đã hạch toán được doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế thì đơn vị thành viên phải kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.
e) Trường hợp đơn vị thành viên có hoạt động kinh doanh khác với hoạt động kinh doanh chung của tập đoàn, tổng công ty và hạch toán riêng được thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác đó thì đơn vị thành viên khai thuế thu nhập doanh nghiệp với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.
Trường hợp cần áp dụng khai thuế khác với hướng dẫn tại điểm này thì tập đoàn kinh tế, tổng công ty phải báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn riêng.
…”.
Căn cứ quy định nêu trên, doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế hạch toán tại chi nhánh (hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc) để thực hiện khai, nộp hồ sơ khai thuế TNDN của chi nhánh theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì DN phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh được hưởng ưu đãi của chi nhánh để kê khai nộp thuế riêng.
Câu 49: Công ty có giấy xác nhận tạm dừng kinh doanh từ 1/4/2020 đến 31/12/2020 nhưng cuối tháng 2/2021 Công ty lại nhận được Thông báo yêu cầu nộp hồ sơ khai thuế của quý 4/2020. Như vậy thì Công ty em có phải nộp hồ sơ gì không? Hiện tại năm 2021 Công ty cũng đã làm giấy xác nhận tạm dừng từ 1/1- 31/12/2021.
Trả lời:
Trường hợp Công ty đã thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng hoạt động từ 01/4-31/12/2020 theo đúng quy định thì Công ty không phải nộp hồ sơ khai thuế kỳ tính thuế quý 4/2020. Đề nghị Công ty liên hệ cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hỗ trợ.
Trường hợp năm 2020 Công ty ngừng hoạt động từ tháng 4 đến hết tháng 12 thì phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN kỳ tính thuế 2020 và báo cáo tài chính năm 2020. Báo cáo tài chính được lập theo quy định của pháp luật về kế toán.
Câu 50: Năm 2020 Công ty có doanh số dưới 200 tỷ đồng, và có phát sinh giao dịch liên kết. Theo nghị quyết 116/2020/QH14 Công ty được giảm 30% thuế TNDN. Xin hỏi Công ty có được giảm 30% thuế TNDN về liên doanh liên kết không?
Trả lời: Việc kê khai, xác định giá giao dịch liên kết để xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp của người nộp thuế và được thực hiện khi kê khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đó, nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc Hội thì phần liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế TNDN đối với GDLK cũng được giảm theo quy định.
Câu 51: Tổng Doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng theo quy định tại NĐ 114/2020/NĐ-CP để xác định số thuế TNDN phải nộp được giảm 30% của DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 có bao gồm các khoản thuế gián thu như thuế GTGT (trường hợp nộp thuế GTGT theo PP trực tiếp), thuế TTĐB, thuế xuất khẩu và thuế BVMT không?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP quy định:
“2. Tổng doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định tại khoản 1 Điều này là tổng doanh thu trong kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 của doanh nghiệp bao gồm toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.”
Căn cứ quy định nêu trên, doanh thu năm 2020 làm căn cứ xác định đối tượng được giảm 30% thuế TNDN là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp.
Câu 52: Công ty 100% vốn trong nước, tất cả các giao dịch cũng đều trong nước. Năm 2020 Công ty đầu tư sửa chữa lớn văn phòng có mượn tiền của chủ tịch 2 tỷ đồng không lãi suất, trong năm đã trả 1,5 tỷ đồng, vậy khoản này có thuộc giao dịch liên kết không? Khi quyết toán thì có phải nộp phụ lục kèm quyết toán thuế TNDN không?
Trả lời:
Căn cứ theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, thì trường hợp chủ tịch Công ty thực hiện điều hành, kiểm soát DN nếu DN vay mượn của Chủ tịch Công ty ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu được xác định là có quan hệ liên kết và giao dịch vay mượn tiền giữa Công ty với Chủ tịch Công ty là giao dịch liên kết. Khi quyết toán thuế TNDN thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết theo quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Câu 53: Doanh nghiệp thuộc đối tượng được giảm 30% thuế TNDN, xin hỏi hồ sơ, trình tự, thủ tục miễn giảm thuế như thế nào?
Trả lời:
Về thủ tục kê khai giảm 30% thuế TNDN năm 2020 thực hiện theo quy định tại Nghị định số 114/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Câu 54: Năm 2015, doanh nghiệp thành lập mới tại địa bàn tỉnh Hà Giang (địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn) hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Vậy Doanh nghiệp thi công trên địa bàn tỉnh Hà Giang có được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hay không?
Trả lời:
Về xác định thu nhập được hưởng ưu đãi của doanh nghiệp có dự án đầu tư hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp do đáp ứng điều kiện về địa bàn đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Vì vậy, đề nghị quý doanh nghiệp căn cứ quy định tại văn bản pháp quy về thuế TNDN nêu trên để xác định phù hợp với thực tế phát sinh của doanh nghiệp.
Câu 55: Tôi làm chủ tịch HDQT 3 Công ty: A; B và C. Công ty A góp 30% vốn điều lệ vào Cty C. Công ty B góp 70% vốn điều lệ vào Công ty C (Công ty C chỉ có vốn góp của Công ty A và B để hoạt động). Vậy chi phí lãi vay của các Công ty này có bị khống chế 30% như NĐ 132/2020 không?
Trả lời:
Tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định:
“a) Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
b) Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;”
Công ty A góp 30% vốn điều lệ vào Công ty C, Công ty B góp 70% vốn điều lệ vào Công ty C (Công ty C chỉ có vốn góp của Công ty A và B để hoạt động) thì Công ty A, Công ty B, Công ty C được xác định là các bên có quan hệ liên kết theo quy định trên.
Nếu trong năm các doanh nghiệp A, B, C có phát sinh giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí thì các doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Khi đó chi phí lãi vay của các doanh nghiệp này được xác định theo khoản 3 Điều 16 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Kế toán IQ xin chúc các bạn làm tốt công việc kế toán