NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN
Những vấn đề cơ bản về phân phối lợi nhuận trong công ty cổ phần
Phân phối lợi nhuận là một trong các quyết định tài chính quan trọng của doanh nghiệp. Phân phối lợi nhuận trong các công ty cổ phần gắn liền với chính sách chi trả cổ tức, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các cổ đông cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển của công trong tương lai. Bài viết dưới đây làm rõ những vấn đề cơ bản về phân phối lợi nhuận trong các công ty cổ phần.
- Khái niệm và nguyên tắc phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp
1.1. Khái niệm
– Phân phối lợi nhuận là hình thức phân chia lợi nhuận mà doanh nghiệp có được sau một thời kỳ nhất định nhằm đáp ứng quyền lợi của các bên liên quan. Trong các công ty cổ phần, lợi nhuận sau thuế một phần dành chi trả cổ tức và một phần để lại tái đầu tư.
– Về cơ bản, phân phối lợi nhuận phải đảm bảo quyền lợi các bên sau:
+ Cơ quan thuế thông qua thu được thuế thu nhập doanh nghiệp;
+ Cổ tức được chia đảm bảo lợi ích tài chính cho cổ đông (có thể là cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ tức bằng cổ phiếu);
+ Người lao động/Ban điều hành thông qua quỹ khen thưởng phúc lợi, thù lao ban Điều hành, HĐQT, Ban Kiểm soát;
+ Đáp ứng nhu cầu vốn cho kinh doanh trong tương lai thông qua việc để lại lợi nhuận trích lập các quỹ phục vụ mục đích đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
1.2. Điều kiện phân phối lợi nhuận trong công ty cổ phần
+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;
+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ lũy kế trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty;
+ Ngay sau khi thực hiện chia lợi nhuận theo kế hoạch công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.
- Nguyên tắc thực hiện phân phối lợi nhuận
Cơ bản có 4 nguyên tắc sau khi thực hiện phân phối lợi nhuận:
– Nguyên tắc lợi nhuận thực hiện: Nguyên tắc này hàm ý khi phân phối lợi nhuận phải dựa vào lợi nhuận đã làm ra chứ không dựa vào lợi nhuận kế hoạch hay lợi nhuận dự tính trong tương lai.
– Nguyên tắc lợi nhuận ròng: Doanh nghiệp chỉ được phân chia lợi nhuận cho chủ sở hữu sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí và lệ phí liên quan đối với NN;
– Nguyên tắc đảm bảo khả năng thanh toán: DN chỉ được phân chia lợi nhuận trong điều kiện đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như đảm bảo khả năng thanh toán cho chủ sở hữu và cổ đông. DN phải cân đối dòng tiền để đảm bảo đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán nợ trước khi chia lợi nhuận cho chủ sở hữu;
– Nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên: Như đã nói ở trên, ban điều hành doanh nghiệp cần làm rõ các bên có lợi ích và cách thức đảm bảo lợi ích cho các bên đó. Về cơ bản, cổ đông là bên quan tâm nhất và phải được đảm bảo hiệu quả nhiều nhất tuy nhiên chủ sở hữu sẽ nhận về phần lợi nhuận sau cùng khi đã trừ đi nghĩa vụ với các bên.
- Nội dung phân phối lợi nhuận trong công ty cổ phần
3.1. Cơ sở, nguyên tắc thực hiện phân phối lợi nhuận
Hình 1: Cơ sở pháp lý để Doanh nghiệp phân phối lợi nhuận
Đối với doanh nghiệp nhà nước, việc phân phối lợi nhuận được Quy định theo pháp luật về Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Những quy định này giúp cho các DNNN đảm bảo được lợi ích của chủ sở hữu nhà nước, phục vụ mục tiêu tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp cũng như giảm thiểu sự thất thoát vốn đầu tư của nhà nước vào DN.
Mời các bạn xem hướng dẫn chi tiết phân phối lợi nhuận trong doanh nghiệp nhà nước kèm theo ví dụ
3.2. Phân phối lợi nhuận trong công ty cổ phần
3.2.1. Nguyên tắc chung
Đối với Công ty cổ phần, việc phân phối lợi nhuận cho Cổ đông thực hiện theo quy định chung của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ, quy chế tài chính riêng của công ty.
Hội đồng quản trị của các công ty cổ phần xây dựng phương án phân phối lợi nhuận. Đại hội đồng cổ đông thông qua và quyết định phương án phân phối lợi nhuận trong đó quy định cụ thể về mức trả cổ tức và ngày chi trả, tỷ lệ trích lập các quỹ.
Các công ty thường thực hiện chi trả cổ tức theo 02 hình thức là trả cổ tức bằng tiền và trả cổ tức bằng cổ phiếu. Bộ phận lợi nhuận ngoài phần chi trả cổ tức dành trích lập các quỹ.
Các loại quỹ của công ty cổ phần gồm:
STT | Quỹ | Tính chất trong DNNN | Tính chất trong Công ty cổ phần |
1 | Quỹ Khen thưởng, phúc lợi | Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động | Tương tự Doanh nghiệp nhà nước |
2 | Quỹ khoa học công nghệ | Thực hiện đề tài về nghiên cứu khoa học công nghệ và để đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tại doanh nghiệp. | Thông thường Công ty cổ phần trích trực tiếp chi phí từ hoạt động SXKD chứ không tách thành quỹ riêng. |
3 | Quỹ đầu tư phát triển | Để thực hiện một trong 2 mục tiêu sau:
1. Tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp; 2. Thực hiện dự án đầu tư phát triển |
Thường để dùng thực hiện dự án đầu tư phát triển có thời gian dài. |
4 | Quỹ thưởng người quản lý | Chi trả thưởng ban điều hành theo xếp loại doanh nghiệp. | Chi trả thưởng ban điều hành theo các mức KPI về tăng trưởng, lợi nhuận của doanh nghiệp |
3.2.2. Hướng dẫn chi tiết
Việc PPLN trong các công ty cổ phần được thực hiện theo các quy định pháp lý thể hiện trong luật DN và các văn bản pháp lý hiện hành. Đồng thời việc phân phối lợi nhuận phải phù hợp với quy chế, điều lệ của công ty, phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh và do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Trong đó, chính sách cổ tức – thể hiện quyết định giữa việc trả lợi nhuận cho cổ đông so với việc giữ lại lợi nhuận để tái đầu tư đóng vai trò quan trọng quyết định đến thu nhập hiện tại của cổ đông cũng như khả năng tăng trưởng thu nhập trong tương lai, từ đó có ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu tối đa hoá giá trị DN.
- Trình tự thực hiện phân phối lợi nhuận
Thông thường việc phân phối lợi nhuận trong các DN được tiến hành theo trình tự như sau:
– Xác định Lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp
– Bù lỗ của các năm trước trong thời hạn chuyển lỗ và trích lập Quỹ khoa học công nghệ khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
– Sau khi đã bù hết các lỗ mà LNTT còn lại lớn hơn không thì thực hiện xác định thuế TNDN và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Bù đắp khoản lỗ các các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế;
– Lập quỹ dự phòng để bù đắp những tổn thất có thể xảy ra trong tương lai;
– Phần lợi nhuận còn lại được chia làm 2 phần:
(1) Chi trả cho các mục tiêu tiêu dùng (gồm trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi; quỹ thưởng ban điều hành, chia lãi, chia cổ tức…)
(2) Lợi nhuận để lại tái đầu tư
- Một số trường hợp phân phối lợi nhuận sau thuế
Lấy ví dụ phương án xác định LNST để phân phối niêm yết trong Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2022 của Công ty X đang niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
STT | Chỉ tiêu | Công thức | Giá trị |
1 | Tổng Lợi nhuận kế toán trước thuế | (1) | 116,488,017,876 |
2 | Thuế phải nộp trên Lợi nhuận kế toán trước thuế (20%) | (2) = (1) * 20% | 23,297,603,575 |
3 | Chi phí không được trừ khi tính chi phí chịu thuế TNDN | (3) | 1,316,856,619 |
4 | Thuế TNDN phải nộp của khoản Chi phí không thuộc diện được trừ khi tính thuế TNDN | (4) = (3) * 20% | 263,371,324 |
5 | Chi phí thuế TNDN tính trên thu nhập chịu thuế của năm hiện hành | (5) = (2) + (4) | 23,560,974,899 |
6 | Lợi nhuận sau thuế để phân phối | (6) = (1) – (5) | 92,927,042,977 |
LNST để phân phối là Lợi nhuận sau thuế đã loại các chi phí không được trừ khi tính thuế TNDN.
>> Xem thêm: Tổng hợp các chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN mới nhất
- Hướng dẫn chi tiết việc trích quỹ chi tiết
STT | Quỹ | Cách thức trích lập | Căn cứ |
1 | Quỹ Khen thưởng, phúc lợi | Không bắt buộc áp dụng theo quy định của Nhà nước. Doanh nghiệp tự xây dựng quy chế lao động, quy chế phúc lợi riêng cho doanh nghiệp để xác định. Việc xây dựng quy chế thường vừa đảm bảo thu hút lao động vừa đảm bảo lợi nhuận tổng thể cho doanh nghiệp.
Quy mô trích lập: thông thường theo 1 tỷ lệ % nhất định của tỷ lệ sau thế. Doanh nghiệp thường căn cứ 02 yếu tố sau để lựa chọn: · Xác định tổng chi tiêu cho khen thưởng, phúc lợi nhân viên và đảm bảo Năng suất lao động/LNST của các doanh nghiệp không bị sụt giảm/ảnh hưởng nhiều sau khi trích quỹ; · So sánh tỷ lệ trích quỹ của các doanh nghiệp cùng ngành. |
Luật Doanh nghiệp, Điều lệ, Quy chế Khen thưởng, phúc lợi của Doanh nghiệp.
Nhận thức, ý chí, thái độ của người lãnh đạo, quản lý, sử dụng lao động. |
2 | Quỹ khoa học công nghệ | Điểm b khoản 1 điều 2 Thông tư 67/2022/TT-BTC quy định: “Đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng nêu tại điểm a khoản 1 Điều này: Doanh nghiệp tự quyết định mức trích cụ thể, nhưng tối đa không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.”
Không phải đa số các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện trích quỹ Khoa học công nghệ. Điểm khác biệt giữa việc trích quỹ và không trích quỹ là do khoản trích Quỹ được trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế. Việc trích lập quỹ Phát triển KHCN theo đúng quy định được trích lập trước khi tính thuế nhằm mục tiêu khuyến khích DN đầu tư phát triển khoa học và công nghệ. Do vậy quỹ phát triển KHCN được trừ ra trước khi tính thuế TNDN. |
Thông tư 67/2022/TT-BTC
Luật Doanh nghiệp, Điều lệ, Quy chế Khoa học, Công nghệ của Doanh nghiệp. Kế hoạch, tầm nhìn, phương án nghiên cứu khoa học, công nghệ của doanh nghiệp. |
3 | Quỹ đầu tư phát triển | Nhà nước không có quy định bắt buộc về việc trích quỹ Đầu tư phát triển của Doanh nghiệp ngoài nước.
Các công ty cổ phần có góc nhà nước hoặc Nhà nước nắm chi phối thường vận dụng theo Quy định của Nghị định 91/2015/NĐ-CP; Các Công ty còn lại thường căn cứ trên Kế hoạch Đầu tư hàng năm và dài hạn của Doanh nghiệp. Các khoản chi theo Kế hoạch đầu tư hàng năm thường được đưa trực tiếp vào chi phí hoạt động hàng năm của Doanh nghiệp. Đối với Kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, Doanh nghiệp sẽ xem xét trích hàng năm 1 tỷ lệ theo kế hoạch nguồn vốn phân bổ cho Dự án/Hoạt động đầu tư. |
Tỷ lệ trích lập căn cứ theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP;
Luật Doanh nghiệp, Điều lệ, Quy chế Mua sắm, Đầu tư của Doanh nghiệp. Kế hoạch đầu tư hàng năm, Kế hoạch đầu tư trung và dài hạn của Doanh nghiệp |
4 | Quỹ thưởng người quản lý | Nhà nước không có quy định bắt buộc về việc trích quỹ thưởng người quản lý.
ĐHĐCĐ, HĐQT xác định tỷ lệ KPI về điều hành, quản lý và tăng trưởng, lợi nhuận của Doanh nghiệp để đưa ra tỷ lệ trích. Có 02 hình thức: 1) Tiền mặt và 2) Chương trình cổ phiếu cho nhân sự thu hút (ESOP). Doanh nghiệp thường vận dụng và hình thức của các doanh nghiệp khác/Doanh nghiệp cùng ngành để xác định phương án. Đối với Doanh nghiệp đang phát triển, Ban Điều hành có vai trò xác định chiến lược và xây dựng khung vận hành, cần chiêu mô nhân tài có sự gắn bó dài hạn thì sẽ thường sẽ áp dụng hình thức ESOP. Đối với Doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, Khung vận hành và Chiến lược đã tường minh, cụ thể và ban điều hành đóng vai trò thiên về vận hành bộ máy đã có sẵn, doanh nghiệp sẽ thường áp dụng hình thức trả tiền mặt. |
Luật Doanh nghiệp, Điều lệ, Quy chế Khen thưởng, phúc lợi của Doanh nghiệp. |
5 | Phân phối lợi nhuận còn lại | Thông thường sẽ thực hiện chia cổ tức cho Cổ đông. Nhiều Doanh nghiệp không thực hiện chia hết lợi nhuận sau thuế chưa phân phối mà giữ lại để tái đầu tư bổ sung vốn cho năm sau. | Luật Doanh nghiệp, Điều lệ, Nhận thức của ban lãnh đạo. |
Ví dụ phân phối lợi nhuận năm 2021 của Doanh nghiệp Y đang niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán:
– Công ty Y không vận dụng theo quy định của DNNN mà tuân theo kết quả kinh doanh, điều hành thực tế của Doanh nghiệp;
– Việc thực hiện đầu tư thực hiện nguồn vốn hàng năm từ SXKD do đó không thực hiện trích lập hoặc trích lập ít;
– Về khen thưởng phúc lợi, Ban điều hành và Người lao động được chi trả dựa trên phần vượt KH LNST năm của công ty;
– Về cổ tức, công ty tập trung chi cổ tức bằng cổ phiếu (30%-35% vốn điều lệ), tỷ lệ cổ tức bằng tiền duy trì ở mức 5% Vốn điều lệ. Hòa Phát tập trung chia toàn bộ lợi nhuận làm ra trong năm (trừ năm 2021 do có lãi đột biến) thành cổ tức cho cổ đông.
STT | Chỉ tiêu | Đơn vị | 2019 | 2020 | 2021 | Ghi chú |
1 | LNST năm 2021 | Tỷ đồng | 7578 | 13506 | 34,521 | |
2 | Trích lập các quỹ | Tỷ đồng | 408 | 719 | 1,709 | |
– | Quỹ đầu tư phát triển | Tỷ đồng | 0 | 5 | 5 | |
– | Quỹ khen thưởng phúc lợi | Tỷ đồng | 288 | 408 | 1,036 | ~ 3% LNST |
– | Thù lao Hội đồng quản trị | Tỷ đồng | 76 | 81 | 172 | ~ 0,5% – 0,6% LNST |
– | Quỹ khen thưởng ban điều hành | Tỷ đồng | 44 | 225 | 496 | 3-5% phần vượt KH LNST năm |
3 | LNST còn lại sau khi trích quỹ | Tỷ đồng | 7,170 | 12,787 | 32,812 | |
4 | Chia cổ tức | Tỷ đồng | 6,903 | 13,253 | 15,655 | |
– | Cổ tức bằng cổ phiếu | Tỷ đồng | 5,522 | 11,597 | 13,419 | Chia cổ tức 30%-35% bằng cổ phiếu |
– | Cổ tức bằng tiền mặt | Tỷ đồng | 1,381 | 1,657 | 2,236 | Chia cổ tức 5% bằng cổ phiếu |
5 | Lợi nhuận còn lại chuyển qua năm 2021 | Tỷ đồng | 268 | -466 | 17,157 | |
6 | Vốn điều lệ | Tỷ đồng | 27,610 | 33,133 | 44,729 |
- Cổ tức
Quy định tại Khoản 5 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020: “Cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác từ nguồn lợi nhuận còn lại của công ty cổ phần sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính”. Theo đó lợi nhuận để chia trong công ty cổ phần chính là việc phân chia cổ tức. Trong công ty cổ phần, lợi nhuận phân chia được gọi là cổ tức. Việc trả cổ tức giữa các cổ đông không giống nhau, cụ thể là giữa cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi cổ tức sẽ được trả các mức cổ tức khác nhau.
Có 2 hình thức chia cổ tức gồm: 1) Cổ tức bằng tiền mặt và 2) Cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu vì những lý do sau:
– Giúp cổ đông không bị đánh thuế 2 lần. Nếu trả cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông sẽ phải 2 lần chịu thuế: 1) bản chất cổ tức là lấy từ Lợi nhuận sau thuế và 2) thuế thu nhập cá nhân trên cổ tức được nhận;
– Bản chất chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ ảnh hưởng tới bảng Cân đối kế toán do hạch toán tăng Vốn điều lệ doanh nghiệp, không ảnh hưởng tới nguồn tiền thực của doanh nghiệp do đó, doanh nghiệp có thể giữ lại vốn để tái đầu tư;
– Tăng lượng cổ phiếu lưu hành và tăng thanh khoản. Đồng thời, cổ tức làm giảm thị giá cổ phiếu, thu hút nhà đầu tư khác mua vào.
Một số doanh nghiệp không lựa chọn chia cổ tức bằng cổ phiếu do:
– Trả cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng vốn điều lệ do đó làm tăng áp lực trả cổ tức cao các năm sau cho doanh nghiệp;
– Với việc vốn điều lệ tăng đồng nghĩa là giảm chỉ tiêu ROE của doanh nghiệp và gây áp lực lên điều hành kinh doanh để lấy lại chỉ tiêu ROE về mức cũ. Đối với các Doanh nghiệp do Nhà nước nắm chi phối thì chỉ tiêu ROE rất quan trọng, là 1 chỉ tiêu trong KH năm và để đánh giá xếp loại doanh nghiệp do đó các Doanh nghiệp mà Nhà nước là cổ đông chi phối thường cân nhắc rất kỹ trước khi trả cổ tức bằng cổ phiếu.