HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH BÁO CÁO TÀI CHÍNH CHI TIẾT, HIỆU QUẢ
Hướng dẫn phân tích Báo cáo tài chính chi tiết, hiệu quả
Phân tích báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng không những trong việc đánh giá tình hình hoạt động của công ty trong quá khứ, nó còn cho phép đánh giá, dự báo sự phát triển ở tương lai. Việc nắm được các kỹ thuật hay công cụ cần thiết để sử dụng trong quá trình phân tích báo cáo tài chính giúp cho việc phân tích đạt hiệu quả tốt hơn, từ đó, giúp đưa ra các quyết định quản trị đáng tin cậy.
- Mục đích của việc phân tích báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là một tài liệu trung gian cung cấp thông tin, chất lượng thông tin này càng có tính tin cậy hơn nếu đã có được đánh giá bởi công ty kiểm toán.
Các thông tin trong báo cáo tài chính có rất nhiều người quan tâm, từ các nhà phân tích tài chính của các định chế tài chính trung gian (quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm), đối tác kinh doanh cho đến cổ đông nhà đầu tư tiềm năng. Ngoài ra, việc phân tích báo cáo tài chính còn được sử dụng bởi cơ quan quản lý nhà nước cho các mục tiêu khác, điển hình là cơ quan thuế.
>> Xem thêm: Báo cáo tài chính là gì? Các hiểu biết cơ bản về báo cáo tài chính
Tuy có thể có các mục tiêu khác nhau, các thu thập và tiếp cận khác nhau nhưng các nhà phân tích báo cáo tài chính đều cần thành thạo việc sử dụng các kỹ thuật phân tích, họ cần xác định rõ lý do thực hiện việc phân tích báo cáo tài chính là gì, để có thể lựa chọn ưu tiên phân tích các báo cáo hay chỉ tiêu nào trước.
Do đó, sau khi làm rõ mục đích và phạm vi phân tích, các nhà phân tích cần trả lời các câu hỏi sau:
- Câu hỏi nào sẽ được trả lời sau khi thực hiện việc phân tích này?
- Việc thực hiện phải chi tiết đến mức độ nào để đạt được mục tiêu của việc phân tích đã đặt ra ban đầu?
- Những thông tin nào có sẵn có thể sử dụng cho việc phân tích báo cáo tài chính? Thông tin nào cần thu thập thêm?
- Những nhân tố hay giới hạn nào có thể ảnh hưởng đến quá trình phân tích?
- Quy trình phân tích báo cáo tài chính
Hình 2: Quy trình phân tích báo cáo tài chính7
Giai đoạn | Nguồn thông tin | Kết quả |
Xem xét mục đích và phạm vi công việc | Các nhà phân tích cần:
· Tìm hiểu mục đích của việc phân tích (đầu tư mua cổ phần, cho vay hay xếp hạng tín dụng?…) · Trao đổi với khách hàng và cấp trên để xác định nhu cầu và mục tiêu công việc · Xây dựng các hướng dẫn cụ thể cho từng mục tiêu cần thực hiện |
· Bảng kết luận về mục đích thực hiện phân tích báo cáo tài chính
· Lên danh sách các câu hỏi cần phải được trả lời sau khi hoàn thành · Các nội dung của báo cáo phân tích cần có · Thời gian và nguồn ngân sách cần thiết để hoàn thành công việc |
Thu thập thông tin | · Báo cáo tài chính, các nguồn thông tin tài chính khác, thông tin kinh tế/thị trường/ngành, lên bảng câu hỏi
· Trao đổi với ban điều hành, nhà cung cấp, khách hàng và đối thủ cạnh tranh · Khảo sát thực tế (việc chọn lựa tuỳ thuộc mức độ trọng yếu, do nhà phân tích quyết định và mức độ sẵn sàng của công ty, ví dụ thị sát bộ phận sản xuất về quy trình vận hành, kiểm tra độ an toàn, chất lượng sản phẩm … hay các bộ phận kế toán/tài chính để tìm hiểu về thông tin tài chính phục vụ việc phân tích..) |
· Lên bảng biểu mẫu
· Lên danh sách thông tin / dữ liệu cần yêu cầu/thu thập phục vụ cho việc phân tích · Hoàn thành bảng câu hỏi |
Xử lý thông tin | Xử lý thông tin thu thập được | · Thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính
· Phân tích báo cáo tài chính sử dụng phương pháp so sánh, phân tích chỉ số, lên bảng biểu/đồ thị trình bày · Dự báo (nếu cần thực hiện định giá sau khi phân tích) |
Phân tích và giải thích các thông tin đã được xử lý | Sử dụng nguồn thông tin đã được xử lý | Các kết quả/vấn đề nhận diện được từ việc phân tích |
Kết luận, đề xuất giải pháp và trao đổi kết quả | Kết quả phân tích và báo cáo | · Lên báo cáo phân tích giải quyết được những câu hỏi nêu ở giai đoạn 1
· Trao đổi các vấn đề nhận diện ở giai đoạn 4 với khách hàng/cấp trên · Các đề xuất/hướng xử lý cho các vấn đề đã nhận diện · Trả lời câu hỏi (ví dụ có đầu tư/cho vay hay không..) |
Theo dõi | Thu thập thông tin định kỳ và lặp lại các bước trên khi cần thiết (khi có thay đổi trong đề xuất hay quyết định, yêu cầu cập nhật báo cáo..) | Cập nhật báo cáo và đề xuất mới |
*Lưu ý: Trên đây là quy trình đầy đủ về việc phân tích báo cáo tài chính. Quý Doanh nghiệp, các bạn có thể tùy và đặc điểm, quy mô, tính chất, nhu cầu và mục đích phân tích báo cáo tài chính tại doanh nghiệp mình để linh hoạt ứng dụng.
Một lời khuyên nhỏ là trước khi đi vào phân tích báo cáo tài chính, anh/chị cần nắm rõ cách đọc báo cáo, ý nghĩa của từng chỉ tiêu trong các loại báo cáo tài chính.
>>> Xem thêm:
- Bảng báo cáo kết quả kinh doanh và cách đọc đơn giản hiệu quả
- Hướng dẫn cách đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Các kỹ thuật phân tích báo cáo tài chính
Một lưu ý là việc phân tích báo cáo tài chính sẽ không có ý nghĩa nếu việc phân tích thiếu đi sự so sánh. Ví dụ: để trả lời cho câu hỏi “Tình hình hoạt động của công ty A có tốt không?”, nhà phân tích cần phải so sánh các chỉ số phân tích được của công ty A với các công ty khác trong cùng ngành, hoặc tình hình hoạt động của chính công ty A qua các năm.
Hình 3: Các kỹ thuật phân tích tài chính
3.1 Phân tích theo chiều dọc
Với kỹ thuật này, dữ liệu tài chính của toàn bộ báo cáo tài chính sẽ được thể hiện tương quan với một khoản mục cụ thể. Nói cách khác, kỹ thuật này sẽ tạo ra các chỉ số bằng cách đem chia từng khoản mục trên báo cáo tài chính với khoản mục mục tiêu (ví dụ tổng tài sản hay doanh thu) trong cùng thời kỳ và kết quả được thể hiện dưới dạng phần trăm (%). Sau bước tính toán thì việc phân tích tiếp theo là xác định cấu thành của từng khoản mục và nguyên nhân tăng/giảm từ đâu?
Ví dụ, với Bảng cân đối kế toán, các chỉ số sẽ cho thấy cơ cấu từng khoản mục tài sản/nợ phải trả so với tổng tài sản tại thời điểm lập bảng, nếu so sánh ở các thời điểm lập bảng khác nhau (giả sử đầu và cuối năm hay so sánh các năm với nhau) sẽ cho biết sự thay đổi tỉ trọng này (tăng/giảm) nếu so sánh qua từng thời kỳ so sánh.
(% trên tổng tài sản) | Năm 1 | Năm 2 |
Tiền mặt | 20 | 14 |
Khoản phải thu | 39 | 55 |
Hàng tồn kho | 37 | 24 |
Tài sản cố định thuần | 4 | 7 |
Tổng tài sản | 100 | 100 |
Phân tích bảng cân đối kế toán thu gọn theo chiều dọc – Công ty giả định. Nguồn: tác giả
Từ bảng trên có thể thấy, khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản nếu xem xét từng năm (năm 1: 39%, năm 2: 55%) và có sự tăng trưởng qua 2 năm. Tiếp theo cần phải xác định các khoản phải thu tăng do đâu: cấu thành của khoản phải thu theo từng khách hàng/nhóm khách hàng, tính toán số ngày phải thu bình quân, đánh giá việc thu hồi nợ và khả năng ghi nhận chi phí… để xác định nguyên nhân biến động. Việc tỷ trọng khoản phải thu tăng qua các năm có thể do công ty đẩy mạnh bán hàng trả sau (thay vì thu tiền mặt), hoặc công ty nới lỏng chính sách thu nợ (tăng số ngày cho nợ ví dụ từ 10 lên 15 ngày), không kiểm soát tốt quy trình thu nợ, hay công ty thay đổi chính sách ghi nhận doanh thu…
Ví dụ với Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, việc tính toán các chỉ số trên doanh thu thuần sẽ cho thấy cơ cấu doanh thu/chi phí và những biến động của lợi nhuận.
(% trên doanh thu thuần) | Năm 1 | Năm 2 |
Doanh thu sản phẩm A | 40 | 55 |
Doanh thu sản phẩm | 50 | 30 |
Doanh thu sản phẩm C | 10 | 15 |
Tổng doanh thu | 100 | 100 |
Chi phí lương | 17 | 25 |
Chi phí thuê văn phòng | 12 | 12 |
Chi phí khác | 21 | 22 |
Tổng chi phí | 50 | 59 |
EBITDA | 50 | 41 |
Phân tích Báo cáo thu nhập thu gọn theo chiều dọc – Công ty giả định. Nguồn: tác giả
Qua bảng trên có thể thấy tỷ trọng của sản phẩm A trong tổng doanh thu tăng đáng kể từ mức 40% trong năm 1 lên 55% trong năm 2, tương ứng là sự sụt giảm trong doanh thu của sản phẩm B. Nhà phân tích cần phải đánh giá tiếp các biến động của sản lượng hàng bán và đơn giá bán bình quân theo từng loại sản phẩm, từ đó tìm hiểu tác động của yếu tố thị trường (khách hàng, đối thủ cạnh tranh…) đối với những biến động trên.
3.2 Phân tích theo chiều ngang
Trong phân tích báo cáo tài chính, kỹ thuật phân tích theo chiều ngang (hay phân tích xu hướng) cũng được sử dụng phổ biến vì nó cung cấp thông tin quan trọng về tăng trưởng và mức độ tăng trưởng trong quá khứ và hiện tại, làm cơ sở cho việc dự báo cho tương lai.
Việc phân tích xu hướng được thực hiện bằng cách tính toán giá trị tuyệt đối và phần trăm tương đối của cùng một khoản mục qua các năm, sau đó so sánh tương quan với những khoản mục khác trong báo cáo tài chính để có cái nhìn chính xác hơn.
(Đơn vị: Tỷ VND) | Năm 0 | Năm 1 | Năm 2 | Thay đổi giữa năm 1 và 2
Giá trị (tỷ VND) |
Thay đổi giữa năm 1 và 2
Tỷ lệ (%) |
Chi phí lương | 15 | 17 | 25 | 8 | 47.0 |
Chi phí thuê | 12 | 12 | 12 | 0 | 0.0 |
Chi phí bán hàng | 25 | 30 | 17 | -13 | -43.3 |
Chi phí khác | 10 | 21 | 22 | 1 | 4.7 |
Tổng chi phí | 62 | 80 | 76 | -4 | -5.0 |
Phân tích Báo cáo thu nhập thu gọn theo chiều ngang – Công ty giả định. Nguồn: tác giả
Ví dụ ở bảng trên, phần thay đổi của tổng chi phí xét về giá trị tuyệt đối (giảm 4 tỷ VND) tương đương tỷ lệ phần trăm (giảm 5%). Nếu xem xét từng khoản mục chi phí sẽ thấy chi phí bán hàng giảm rất nhiều trong năm 2 (giảm 13 tỷ VND tương đương 43.3%), là nhân tố chính dẫn đến sự sụt giảm của tổng chi phí. Tuy nhiên mức độ giảm của tổng chi phí lại không đáng kể là do chi phí lương tăng tương đối lớn trong năm 2 (8 tỷ VND tương đương 47%) và đang có xu hướng tăng dần qua các năm.
Tuỳ vào mục đích phân tích báo cáo tài chính mà các nhà phân tích có thể đi sâu tìm hiểu thêm về chính sách nhân sự và cơ cấu lương (biến động số lượng nhân sự, lương/thưởng bình quân..) và những thay đổi trong chính sách bán hàng (như chính sách hoa hồng, chiết khấu..) để có được sự đánh giá chính xác. Tuy nhiên với số liệu như trên cũng có thể nhận xét sơ lược công ty đang tăng trưởng về nhân sự và có các điều chỉnh chính sách bán hàng dẫn đến quản trị chi phí bán hàng tốt hơn (với giả định quy mô doanh thu không thay đổi).
3.3 So sánh chéo giữa các báo cáo tài chính
Ngoài ra, khi thực hiện phân tích báo cáo tài chính, nhà phân tích có thể so sánh chéo các chỉ số giữa các báo cáo tài chính với nhau để giúp việc đánh giá tình hình hoạt động của công ty một cách bao quát hơn.
Giả dụ doanh thu của công ty A tăng 25%, lợi nhuận ròng tăng 30%, nhưng dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 15%, việc lợi nhuận ròng tăng nhanh hơn doanh thu có thể do quản lý chi phí hiệu quả, tuy nhiên cũng có thể do công ty ghi nhận những thu nhập khác không đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh (non-operating items). Trong khi đó, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 15% khi so sánh với mức tăng trưởng của doanh thu (25%) và lợi nhuận ròng (30%) có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm cho những vấn đề liên quan đến cách ghi nhận doanh thu.
Bằng cách tính toán và so sánh các chỉ số giữa các báo cáo tài chính với nhau, nhà phân tích có thể phát hiện ra những biến động/xu hướng bất thường, từ đó có thể đặt câu hỏi và tìm tòi/phân tích sâu thêm để trả lời cho những nghi ngại trên.
3.4 So sánh tương quan trong ngành
Trong phân tích báo cáo tài chính còn có một kỹ thuật khác là so sánh tương quan các chỉ số của công ty mục tiêu với một hay vài công ty hoạt động trong cùng ngành hoặc so sánh các chỉ tiêu, chỉ số của công ty mục tiêu với số liệu, chỉ số trung bình ngành.
(% trên tổng tài sản) | Công ty A | Công ty B |
Tiền mặt | 37 | 14 |
Khoản phải thu | 32 | 55 |
Hàng tồn kho | 27 | 24 |
Tài sản cố định thuần | 4 | 7 |
Tổng tài sản | 100 | 100 |
So sánh tương quan trong ngành – Công ty giả định. Nguồn: tác giả
Khi tính toán ra một chỉ số nào đó trong quá trình thực hiện phân tích báo cáo tài chính, nếu phát hiện bất thường, nhà phân tích thường sẽ thắc mắc là liệu chỉ số như vậy có hợp lý hay không? Do đó, việc so sánh với các công ty trong ngành là rất cần thiết trong tình huống này.
Ví dụ trong trường hợp của công ty A, tỷ trọng tiền mặt của công ty này cao bất thường (37%), đặc biệt khi so sánh với công ty B. Tiền mặt là một loại tài sản có tính thanh khoản tốt nhất, nhưng việc giữ quá nhiều tiền mặt nếu không có lý do hợp lý là một việc làm không hiệu quả vì khả năng sinh lời của nó vô cùng thấp. Đối với công ty B, tỷ trọng khoản phải thu chiếm 55% trong cơ cấu tổng tài sản, cao bất thường nếu so với chỉ số 32% của công ty A.
Việc so sánh sẽ giúp các nhà phân tích phát hiện những điểm bất thường và thông thường những điểm bất hợp lý nếu không thể giải thích bằng một lý do hợp lý (ví dụ giữ tiền mặt để chuẩn bị cho việc mua sắm máy móc/đầu tư cho hoạt động mua bán sáp nhập để tăng thị phần…) thì thường sẽ là những vấn đề cần được lưu tâm (công ty thay đổi cách ghi nhận doanh thu, cho bán nợ dài ngày hơn, hay quy trình thực hiện thu hồi nợ có vấn đề…)
3.5 Phân tích chỉ số tài chính
Phân tích chỉ số trong phân tích báo cáo tài chính sẽ được dùng xuyên suốt và là một phần không thể thiếu trong các kỹ thuật phân tích trên. Có nhiều chỉ số tài chính cần theo dõi và phân tích tổng thể như: ROA, ROE, biên lợi nhuận, chi phí biên… Hệ thống các chỉ số tài chính doanh nghiệp mà Chủ doanh nghiệp, CEO cần quan tâm là rất nhiều nên kế toán doanh nghiệp cần đến sự hỗ trợ của các công cụ như phần mềm kế toán để đảm bảo đưa ra báo cáo đúng hạn giúp nhà quản trị có những quyết định hợp lý, kịp thời.
Các phần mềm hiện đại thế hệ mới như phần mềm kế toán online MISA AMIS được thiết lập sẵn công thức tính cho các hệ số phân tích tài chính. Căn cứ vào số liệu kế toán được nhập vào, phần mềm sẽ tự động tổng hợp và tính toán ra các hệ số này. Dựa vào đó nhà quản lý có thể nhanh chóng đưa ra những đánh giá tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp tại bất cứ thời điểm nào, từ đó đưa ra những quyết định điều hành hợp lý.
>>> Xem thêm: Phần mềm kế toán có thể cung cấp các chỉ số tài chính nào?
Ưu điểm việc phân tích chỉ số tài chính là có thể loại trừ được sự chênh lệch về quy mô hay đơn vị tiền tệ giữa các công ty. Ví dụ công ty A và B có doanh thu lần lượt là 1,000 tỷ VND và 2,000 tỷ VND với mức lợi nhuận ròng lần lượt là 60 tỷ VND và 90 tỷ VND. Tuy quy mô doanh thu và lợi nhuận của B đều lớn hơn A, xét về tính hiệu quả thì A lại tốt hơn B thể hiện ở chỉ số lợi nhuận ròng trên doanh thu của A (6%) cao hơn của B (4,5%).
Tuy nhiên, việc so sánh sẽ không hiệu quả nếu hai công ty dùng những phương pháp ghi nhận kế toán khác nhau. Ngoài ra, việc phân tích nếu thực hiện với các dữ liệu giữa năm hay thời điểm khác không phải kết thúc năm tài chính có thể cần phải chuyển đổi thành số liệu 12 tháng gần nhất (trailing twelve month) tuỳ thuộc mục tiêu cần phân tích (ví dụ để so sánh doanh thu 12 tháng qua các năm, hay chỉ số P/E..).
Cuối cùng, đối với các công ty đa ngành thì việc tính toán một chỉ số chung của cả công ty (ví dụ lợi nhuận gộp) rồi so sánh với số liệu công ty mục tiêu sẽ không chính xác. Tuy nhiên, nhà phân tích có thể không đủ dữ liệu để tính toán các chỉ số chi tiết nếu không thể tiếp cận với nguồn dữ liệu nội bộ mà chỉ dựa vào nguồn thông tin công bố.
- Công cụ trình bày hiệu quả trong phân tích báo cáo tài chính
Việc sử dụng biểu đồ trong phân tích báo cáo tài chính sẽ giúp việc trình bày những biến động của các khoản mục chính qua các năm một cách trực quan hơn. Tuỳ thuộc vào loại thông tin mà nhà phân tích có thể lựa chọn các loại biểu đồ khác nhau để truyền tải một cách hiệu quả nhất. Các loại biểu đồ phổ biến thường sử dụng có thể kể đến là:
- Biểu đồ đường thẳng (line chart) khi dùng phân tích những biến động về giá cả, sản lượng sản phẩm, số lượng nhân sự qua các năm….
- Biểu đồ tròn (pie chart) được sử dụng hiệu quả nhất khi thể hiện cơ cấu về giá trị hay phần trăm tại một thời điểm cụ thể (ví dụ tỷ trọng sở hữu cổ phần, cơ cấu doanh thu theo loại sản phẩm, dịch vụ..)
- Biểu đồ cột (column/stacked chart) dùng để so sánh biến động trong cơ cấu của một thông số cụ thể qua các năm, có thể dưới dạng giá trị tuyệt đối hay tỷ lệ phần trăm (ví dụ cấu thành của tổng chi phí phân theo từng loại chi phí qua 5 năm, tỷ lệ % doanh thu đóng góp của từng sản phẩm trong cơ cấu tổng doanh thu qua 3 năm..).
- Biểu đồ thác nước (waterfall chart) được dùng khi nhà phân tích muốn thể hiện sự thay đổi về giá trị của một khoản mục tại thời điểm đầu đến thời điểm cuối trong khoảng thời gian thẩm định (thường từ 2 đến 3 năm) thông qua những biến động tăng giảm của những nhân tố ảnh hưởng. Loại biểu đồ này thường sử dụng nhiều để phân tích biến động về lợi nhuận qua các năm hay tổng tài sản/tổng nợ phải trả qua từng thời điểm.