HƯỚNG DẪN HẠCH TOÁN HÀNG GIA CÔNG THEO TT 200
Hướng dẫn Hạch toán hàng gia công theo thông tư 200
Trong quá trình hạch toán hàng gia công theo Thông tư 200, nhiều kế toán thường đặt câu hỏi về xuất hàng gia công thì hạch toán thế nào, nhận hàng gia công thì hạch toán ra sao? Để hỗ trợ kế toán, dưới đây MISA sẽ hướng dẫn anh chị cách hạch toán hàng gia công chi tiết theo thông tư 200.
- Nguyên tắc hạch toán hàng gia công
1.1. Tại bên thuê gia công
Khi chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu cho đối tác nhận gia công, kế toán bên thuê gia công cần lưu ý rằng: các nguyên vật liệu, hàng hóa này vẫn thuộc sở hữu của doanh nghiệp, DN không bán hay cho, tặng mà chỉ vận chuyển sang phía đối tác gia công để thực hiện dịch vụ.
Do đó, kế toán không được hạch toán giá trị các hàng hóa, vật tư này sang các tài khoản phải thu (TK 131, TK 138) hoặc các tài khoản phải trả (TK 331)
Theo quy định tại điều 27 thông tư 200/2014/TT-BTC, các chi phí sản xuất, kinh doanh thuê ngoài gia công chế biến, nguyên vật liệu, hàng hóa thuê gia công được theo dõi ở tài khoản 154.
Xem thêm bài viết: Hạch toán tài khoản 154 – Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
1.2. Tại bên nhận gia công
Với bên nhận gia công, các nguyên vật liệu, hàng hóa nhận về để gia công đều không thuộc sở hữu của doanh nghiệp, không phải tài sản doanh nghiệp.
Vì vậy, kế toán bên nhận gia công không được theo dõi các nguyên vật liệu, hàng hóa này tại các tài khoản như TK 152 (nguyên vật liệu) hay TK 155, TK 156.
Khi nhận hàng để gia công, DN chủ động lập phiếu nhập kho, theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị vật tư, hàng hóa nhận gia công. Khi xuất hàng gia công trả lại thì lập Phiếu xuất kho và chỉ xuất hóa đơn GTGT (hoặc hóa đơn bán hàng) đối với tiền công gia công và tiền Nguyên vật liệu, phụ liệu …
Tìm hiểu thêm
- Chi phí tiếp khách hạch toán vào tài khoản nào?
- Hướng dẫn chi tiết hạch toán kế toán mua nguyên vật liệu theo phương pháp kê khai thường xuyên và kiểm kê định kỳ
- Cách hạch toán tiền lương, bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn (KPCĐ)
- Hạch toán hàng gia công theo thông tư 200 tại bên thuê gia công
- Khi hàng hóa hoặc nguyên vật liệu mua về được chuyển thẳng đi gia công, chế biến lại mà không nhập kho, kế toán ghi:
Nợ TK 154: Trị giá hàng hóa, NVL mua chuyển ngay đi gia công, chế biến lại (Không gồm thuế GTGT)
Nợ TK 1331: Thuế GTGT đầu vào
Có TK 111, 112, 331,…: Tổng giá thanh toán của hàng mua.
- Nếu xuất kho hàng hóa, NVL đem đi gia công, ghi:
Nợ TK 154: Trị giá hàng hóa, NVL đem đi gia công, chế biến lại
Có TK 1561, TK 152: Trị giá xuất kho
- Chi phí gia công và các chi phí khác phát sinh trong quá trình gia công: Chi phí vận chuyển, chi phí nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, chi phí tiền công,…, căn cứ vào các chứng từ liên quan, kế toán hạch toán:
Nợ TK 154: Chi phí phát sinh trong quá trình gia công, chế biến lại hàng hóa
Nợ TK 1331: Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)
Có TK 111, 112, 331, 334,…: Tổng số tiền đã thanh toán hoặc phải thanh toán tương ứng
- Khi hàng gia công, chế biến xong được đem về nhập kho, được gửi bán hoặc chuyển bán thẳng, ghi:
Nợ TK 1561: Trị giá hàng hóa nhập kho sau khi gia công, chế biến lại
Nợ TK 152: Trị giá NVL nhập kho
Nợ TK 157: Trị giá hàng hóa nếu gửi bán thẳng sau khi gia công, chế biến lại
Nợ TK 632: Trị giá hàng hóa nếu bán trực tiếp cho khách hàng sau khi gia công, chế biến lại
Có TK 154: Trị giá hàng hoá gia công, chế biến đã hoàn thành.
Thành phẩm thuê ngoài gia công chế biến được đánh giá theo giá thành thực tế gia công chế biến bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí thuê gia công và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến quá trình gia công.
***Lưu ý: Nếu doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 133, chúng ta chỉ cần thay tài khoản 1561 thành tài khoản 156 và hạch toán tương tự như trên
* Ví dụ: Ngày 20/5/2021, xuất kho một số hàng hóa trị giá 100 triệu đồng đem đi gia công. Chi phí gia công chế biến đã thanh toán bằng tiền mặt là 16,5 triệu đồng (Bao gồm cả thuế GTGT 10%). Số hàng gia công được xử lý như sau:
– Bán thẳng: 20 triệu đồng.
– Gửi bán: 50 triệu đồng.
– Còn lại nhập kho.
Với số liệu trên kế toán phản ánh như sau:
– Căn cứ vào phiếu xuất kho, phản ánh trị giá hàng xuất kho đi gia công, ghi:
Nợ TK 154: 100 triệu đồng
Có TK 1561: 100 triệu đồng (Nếu DN áp dụng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC)
Có TK 156: 100 triệu đồng (Nếu DN áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC)
– Căn cứ vào hóa đơn và chứng từ liên quan, phản ánh chi phí gia công, ghi:
Nợ TK 154: 15 triệu đồng
Nợ TK 1331: 1,5 triệu đồng
Có TK 111: 16,5 triệu đồng.
– Khi gia công xong:
(+) Căn cứ vào hóa đơn bán hàng, phản ánh trị giá hàng bán thẳng, ghi:
Nợ TK 632: 20 triệu đồng
Có TK 154: 20 triệu đồng.
Có thể bạn quan tâm: Giá vốn hàng bán là gì? Cách tính giá vốn hàng bán tại các loại hình DN
(+) Căn cứ vào phiếu gửi hàng bán, ghi:
Nợ TK 157: 50 triệu đồng
Có TK 154: 50 triệu đồng.
(+) Căn cứ vào phiếu nhập kho, ghi:
Nợ TK 1561: 45 triệu đồng (Nếu DN áp dụng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC)
Nợ TK 156: 45 triệu đồng (Nếu DN áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC)
Có TK 154: 45 triệu đồng.
- Hạch toán hàng gia công tại bên nhận gia công
Kế toán theo dõi hàng gia công tại kho và không theo dõi trên các tài khoản kế toán (đã giải thích tại phần 1)
- Khi xác định doanh thu từ số tiền gia công thực tế được hưởng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,…
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp
- Một số quy định về hàng gia công
– Căn cứ theo khoản 5 Điều 5 của Thông tư liên tịch 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP về Quy định chế độ hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường: “Cơ sở sản xuất, gia công hàng xuất khẩu vận chuyển bán thành phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu để gia công lại tại cơ sở gia công khác thì phải có Hợp đồng gia công lại kèm theo Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ và Lệnh điều động.”
– Căn cứ theo Điều 9 của Thông tư 219 Hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng quy định: Dịch vụ gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với nước ngoài sẽ chịu thuế suất thuế GTGT 0%
– Căn cứ theo Điều 7 của Thông tư 219 Hướng dẫn thi hành luật thuế giá trị gia tăng quy định: Giá tính thuế GTGT đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.