kế toán Thiên ưng
TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN IQ chuyên dạy học thực hành kế toán thuế tổng hợp trên chứng từ thực tế và phần mềm HTKK, Excel, Misa. Là một địa chỉ học kế toán tốt nhất tại Hà Nội và TP HCM

6 PHƯƠNG THỨC HUY ĐỘNG VỐN CHO DN PHỔ BIẾN NHẤT.

6 phương thức huy động vốn cho doanh nghiệp phổ biến nhất.

 

Tài chính doanh nghiệp như chúng ta đã biết, về bản chất quan tâm nghiên cứu ba quyết định chủ yếu, đó là quyết định đầu tư (quyết định tài trợ), quyết định huy động vốn và quyết định phân phối lợi nhuận. Trong đó, quyết định huy động vốn liên quan đến việc nên lựa chọn nguồn vốn nào để tài trợ cho các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Đây là một trong những quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến sự thành bại của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần nắm rõ các nguồn tài trợ vốn trong doanh nghiệp, ưu và nhược điểm của từng nguồn vốn… để lựa chọn phương án huy động phù hợp với doanh nghiệp.

  1. Tìm hiểu về Vốn, nguồn vốn, cấu trúc nguồn vốn

Vốn kinh doanh: Là toàn bộ giá trị vật chất mà doanh nghiệp sử dụng đầu tư để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn có thể là tiền, tài sản, quyền tài sản có giá trị thành tiền…

Nguồn vốn: Là những quan hệ tài chính mà thông qua đó đơn vị có thể khai thác hay huy động một số tiền nhất định để đầu tư tài sản cho đơn vị. Nguồn vốn cho biết tài sản của đơn vị do đâu mà có và đơn vị phải có những trách nhiệm kinh tế, pháp lý gì đối với tài sản đó.

Cấu trúc nguồn vốn được thể hiện qua sơ đồ sau:

Hình 1: Cấu trúc nguồn vốn

 

Tìm hiểu thêm

  1. Khái niệm Huy động vốn

Huy động vốn là hoạt động tạo vốn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau như tín dụng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu,…

Quyết định huy động vốn: là những quyết định liên quan đến việc lựa chọn nguồn vốn nào để tài trợ cho các quyết định đầu tư của doanh nghiệp, nhằm mục tiêu hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp đề ra.

Nguồn huy động vốn nếu phân loại bao gồm nguồn huy động vốn ngắn hạn và nguồn định huy động vốn dài hạn

Hình 2: Quyết định huy động vốn

  1. Các phương thức huy động vốn ngắn hạn

3.1. Nợ phải trả ngắn hạn có tính chất chu kỳ

Trong quá trình kinh doanh Doanh nghiệp có phát sinh một số khoản có nghĩa vụ tài chính nhưng chưa phải thanh toán ngay, việc này tạo ra nguồn tài trợ cho doanh nghiệp sử dụng, ví dụ như: tiền lương, tiền công trả cho người lao động, các khoản thuế, tiền BHXH phải nộp nhưng chưa đến thời hạn phải trả, …

Khi sử dụng nguồn vốn này doanh nghiệp cần lưu ý phải thanh toán đúng hạn, nếu không sẽ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp khi trả lương chậm, bị phạt chậm nộp tiền thuế và phạt hành chính nếu trả chậm tiền thuế, BHXH, …

>>> Đọc thêm: Hạch toán lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội vào tài khoản nào?

Trong thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp do nợ tiền bảo hiểm xã hội quá lâu dẫn đến ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và có thể dẫn tới việc thanh kiểm tra của cơ quan bảo hiểm tại doanh nghiệp.

Ví dụ: Ngày 02/04/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã đề nghị xử lý hình sự đối với 14 doanh nghiệp trốn đóng BHXH. (Nguồn: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/De-nghi-xu-ly-hinh-su-14-doanh-nghiep-tron-dong-bao-hiem-xa-hoi-i606746/)

3.2. Tín dụng thương mại

Việc mua chịu hàng hóa của các nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ sẽ hình thành nên khoản nợ phải trả với nhà cung cấp, đây được xem như hình thức tín dụng thương mại của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được nhận hàng hóa dịch vụ để sản xuất kinh doanh trong khi chưa phải trả tiền ngay, điều này giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi đúng theo kế hoạch mà chưa cần sử dụng nguồn vốn nội tại của mình.

Hình thức này có vai trò cực kì quan trong các nguồn tài trợ ngắn hạn, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ, vốn hoạt động còn hạn chế, cần tận dụng nguồn lực này một cách hợp lý.

Tín dụng thương mại có một số điểm cần lưu ý như sau:

+ Cung cấp vốn nhanh, đáp ứng cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thường không có nhiều điều kiện ràng buộc.

+ Nếu đã tạo được uy tín với nhà cung cấp thì việc đàm phán tín dụng của doanh nghiệp khá dễ dàng, có thể đạt được nguồn vốn tín dụng lớn với thời gian đáo hạn đủ dài. Thực tế có những nhà cung cấp lớn có thể cho phép dư nợ lên đến hàng tỷ đồng và thời hạn thanh toán lên đến nhiều tháng.

+ Đi kèm với tín dụng thương mại có thể giá mua chịu hàng hóa dịch vụ bị đội cao quá mức bình thường. Hoặc việc không trả tiền ngay có thể doanh nghiệp sẽ không được hưởng các khoản giảm giá hàng bánchiết khấu thương mại….

+ Cần cân nhắc một cách linh hoạt khi sử dụng tín dụng thương mại, xác định chi phí cơ hội khi sử dụng loại tín dụng thương mại đó, khi chi phí cơ hội quá lớn thì doanh nghiệp có thể sử dụng phương thức thanh toán luôn cho nhà cung cấp thay vì sử dụng tín dụng thương mại.

+ Bị hạn chế bởi quy mô vốn, đối tượng tín dụng, tất nhiên không phải nhà cung cấp nào cũng cho phép tín dụng thương mại và điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp của mình.

3.3. Tín dụng ngân hàng

Đây là nguồn vốn ngắn hạn rất quan trọng và phổ biến, mọi doanh nghiệp đều nên tận dụng nguồn vốn này, tuy nhiên cần căn cứ vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ và hệ số nợ hiện tại để quyết định thời gian vay, số tiền vay một cách phù hợp.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô hiện nay, ngân hàng nhà nước vẫn đang duy trì mức lãi suất thấp và dự báo trong tương lai gần mặt bằng lãi suất sẽ không tăng quá nhiều, đây là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn với chi phí thấp.

Doanh nghiệp có thể huy động tín dụng ngân hàng bằng cách làm việc trực tiếp với các Ngân hàng thương mại trong đó lưu ý:

+ Doanh nghiệp cần chuẩn bị các tài sản đảm bảo cho từng món vay, tài sản đảm bảo có thể là: Bất động sản, phương tiện vận tải, hàng hóa…

+ Doanh nghiệp nên làm việc với nhiều Ngân hàng tại cùng một thời điểm để lựa chọn các chính sách tín dụng phù hợp với nhu cầu tài chính của doanh nghiệp mình. Mỗi ngân hàng sẽ có lợi thế riêng, ưu đãi riêng về lãi suất, điều kiện cho vay, tỷ lệ sử dụng tài sản đảm bảo, tỷ lệ sử dụng quyền phải thu trong thế chấp tài sản, … và điều doanh nghiệp cần làm là cân nhắc kĩ từng chính sách của từng ngân hàng đó.

Ví dụ: Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội – MB là một trong số ít các ngân hàng chấp nhận quyền phải thu (quyền đòi nợ) để sử dụng làm tài sản tín chấp khi thực hiện các nghiệp vụ bảo lãnh ngân hàng.

Một số ưu nhược điểm khi huy động nguồn vốn ngắn hạn

  • Ưu điểm:
    • Thông thường, việc sử dụng tín dụng ngắn hạn giúp cho doanh nghiệp có thể thực hiện dễ dàng, thuận lợi hơn so với việc sử dụng tín dụng dài hạn.
    • Chi phí sử dụng tín dụng ngắn hạn thông thường thấp hơn so với tín dụng trung, dài hạn;
    • Doanh nghiệp có thể linh hoạt điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn do thời gian đáo hạn ngắn, có thể sử dụng phương pháp đảo nợ giữa các nguồn huy động vốn khác nhau.
  • Nhược điểm:
    • Nghĩa vụ phải thanh toán trong thời gian ngắn gây ra áp lực trả nợ ngắn hạn lớn, nếu tình hình kinh doanh diễn ra không thuận lợi như kế hoạch đã định, doanh nghiệp có thể rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ngày nay;
    • Tín dụng ngân hàng thường đòi hỏi tài sản thế chấp và có thể bị thu giữ tài sản nếu quá hạn trả nợ mà doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ trả nợ.
    • Khi đi vay, doanh nghiệp thường bị phụ thuộc vào các điều kiện cho vay vốn của chủ nợ

 

  1. Các hình thức huy động vốn dài hạn

4.1. Nguồn vốn bên trong doanh nghiệp

Nguồn vốn bên trong quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp chính là lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.

Hàng năm doanh nghiệp có thể giữ lại một phần lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư, bổ sung tăng vốn, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của mình. Thực tế hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ thường xuyên chia toàn bộ lợi nhuận sau thuế của mình cho các cổ đông và các khoản thưởng cho nhân viên, điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến nguồn vốn kinh doanh năm sau bị thiếu thụt nếu như tình hình kinh doanh diễn ra không thuận lợi theo dự kiến.

Nguồn vốn này được sử dụng nhiều hay ít phụ thuộc vào một số yếu tố: kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, nhu cầu đầu tư và cơ hội đầu tư trong những năm tiếp theo. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp theo đuổi chính sách chú trọng tái đầu tư có những giai đoạn chia cổ tức rất ít, thậm chí không chia cổ tức để tận dụng nguồn này để thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh và đã đạt được những kết quả tăng trưởng ấn tượng.

Ví dụ: Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (TCB) đã tích lũy 5 năm lợi nhuận (từ năm 2013 đến năm 2017) để tận dụng phát triển kinh doanh, sau đó mới thực hiện việc chia cổ tức cho cổ đông, điều này đã tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn để ngân hàng này phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

  • Ưu điểm:
    • Tăng tính tự chủ về tài chính, giảm hệ số nợ, tăng uy tín cho doanh nghiệp.
    • Tiết kiệm chi phí sử dụng vốn so với việc phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn.
    • Giữ được quyền kiểm soát cho các cổ đông hiện hữu.
    • Tránh được áp lực phải thanh toán khi các khoản nợ đến hạn.
  • Nhược điểm:
    • Chi phí sử dụng nguồn vốn này thường đòi hỏi ở mức cao hơn so với vốn vay hoặc phát hành trái phiếu.
    • Bị giới hạn quy mô vốn do doanh nghiệp chỉ có thể sử dụng nguồn vốn này trong phạm vi lợi nhuận lũy kế sau khi đã thực hiện chia cổ tức, không tận dụng được đòn bẩy tài chính.

4.2. Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp

Hình 4: Nguồn vốn bên ngoài doanh nghiệp

4.2.1 Cổ phiếu thường (chỉ áp dụng cho công ty cổ phần)

Cổ phiếu thường (cổ phiếu phổ thông) là loại cổ phiếu phổ biến nhất trong các loại cổ phần của một công ty cổ phần. Các cổ đông sở hữu loại cổ phiếu này có 1 số quyền cơ bản sau:

  • Quyền quản lý và kiểm soát công ty: cổ đông thường được ứng cử vào Hội đồng quản trị, được tham gia bỏ phiếu để bày tỏ ý kiến về các vấn đề quan trọng của công ty, thường là tại đại hội cổ đông.
  • Quyền đối với tài sản công ty: cổ đông thường có quyền nhận phần lợi nhuận sau thuế của công ty, được chia cho cổ đông dưới hình thức cổ tức.
  • Quyền chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần: cổ đông thường không được quyền rút vốn trực tiếp ra khỏi công ty nhưng được phép chuyển nhượng quyền sở hữu cổ phần cho người khác bằng cách bán lại cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Ưu điểm:

  • Phát hành cổ phiếu thường giúp công ty tăng được vốn đầu tư dài hạn, nhưng không có nghĩa vụ bắt buộc phải trả lợi tức cố định như sử dụng vốn vay.
  • Làm tăng thêm vốn chủ sở hữu của công ty, từ đó làm giảm hệ số nợ và tăng thêm mức độ vững chắc về tài chính của công ty, từ đó làm tăng khả năng vay vốn và mức độ tín nhiệm cho doanh nghiệp.
  • Trong một số trường hợp, cổ phiếu thường có thể hấp dẫn nhà đầu tư ở mức lợi tức cao, không bị giới hạn như đầu tư vào cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu. Do đó các công ty trong giai đoạn phát triển bùng nổ, tiềm năng mở rộng lớn thường lựa chọn công cụ huy động vốn này.
  • Không bị giới hạn bởi quy mô vốn.
  • Tiếp thu được các nguồn lực về kinh nghiệm, công nghệ, thị trường từ các cổ đông và đối tác mới. Thực tế những nguồn lực này rất quan trọng, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã tiếp nhận được nguồn lực vốn, năng lực quản trị của nhiều nhóm cổ đông nước ngoài, cổ đông chiến lược và lấy đó làm bàn đạp để phát triển ở trong nước cũng như chiếm lĩnh thị trường nước ngoài.

Nhược điểm:

  • Tăng thêm cổ đông mới, từ đó phải phân chia quyền biểu quyết, kiểm soát công ty cũng như quyền phân phối thu nhập cho các cô đông mới, điều này gây ra bất lợi cho cổ đông hiện hành và có thể nảy sinh những mâu thuẫn trong nội bộ doanh nghiệp.
  • Chi phí sử dụng nguồn tài trợ này thường là cao nhất, cao hơn cả chi phí sử dụng cổ phiếu ưu đãi và trái phiếu.

4.2.2 Cổ phiếu ưu đãi

Là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu trong công ty cổ phần, cho phép người sở hữu có được một số quyền lợi ưu đãi hơn so với cổ đông thường, bao gồm:

  • Quyền ưu tiên về cổ tức và thanh toán khi thanh lý công ty: cổ phiếu ưu đãi mang lại cho người nắm giữ nó được hưởng một khoản lợi tức cố định được xác định trước, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Khi công ty bị giải thể, thanh lý thì cổ đông ưu đãi được thanh toán giá trị cổ phiếu trước các cổ đông thường.
  • Có sự tích lũy của cổ tức: phần lớn cổ phiếu ưu đãi đều là cổ phiếu dạng tích lũy, nghĩa là nếu một năm nào đó công ty gặp khó khăn không trả được cổ tức thì có thể cộng dồn để hoàn trả cổ tức ưu đãi vào kỳ tiếp theo.
  • Cổ đông ưu đãi không có quyền biểu quyết.

Ưu điểm:

  • Không bắt buộc phải trả lợi tức cố định đúng hạn mà có thể trì hoãn sang kỳ sau;
  • Có khả năng làm tăng lợi tức cổ phần thường: các cổ đông thường không phải chia sẻ phần lợi nhuận cao cho các cổ đông ưu đãi do cổ tức của cổ phiếu ưu đãi là một khoản cố định (thường tính bằng tỉ lệ % so với mệnh giá);
  • Giúp công ty tránh được việc làm loãng quyền quản lý và kiểm soát;
  • Không phải cầm cố thế chấp tài sản khi huy động vốn.

Nhược điểm:

  • Lợi tức cổ phiếu ưu đãi thường ở mức cao hơn lợi tức trái phiếu, do đó chi phí sử dụng vốn sẽ cao hơn;
  • Lợi tức cổ phiếu ưu đãi không được trừ vào thu nhập chịu thuế của công ty, chính điểm này làm cho các công ty rất hạn chế sử dụng cổ phiếu ưu đãi trong việc tài trợ nhu cầu tăng vốn;
  • Nhìn chung, việc sử dụng cổ phiếu ưu đãi sẽ thích hợp trong hoàn cảnh công ty cho thấy sử dụng cổ phiếu thường hoặc trái phiếu đều không có lợi.

4.2.3 Các khoản vay dài hạn

+ Vay dài hạn ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác: các khoản vay có kỳ hạn từ 1 năm trở lên, thường được hoàn trả vào những thời hạn định kỳ với những khoản tiền bằng nhau, tùy từng hợp đồng mà bên cho vay có thể linh hoạt thiết lập lịch trả nợ phù hợp với dòng tiền thu vào của bên đi vay.

Cách thức huy động vốn này tương đương với các khoản vay tín dụng ngắn hạn, doanh nghiệp cần căn cứ vào nhu cầu vốn thực tế của mình theo kế hoạch kinh doanh để làm việc với các Ngân hàng và tìm ra chính sách tín dụng cụ thể phù hợp nhất.

Ưu điểm:

  • Tính linh hoạt cao
  • Doanh nghiệp không phải chia sẻ quyền quản lý và kiểm soát cho các thành viên mới, do đó phù hợp với các doanh nghiệp có lợi nhuận ổn định theo từng năm mà các cổ đông hiện hữu, không muốn giảm quyền kiểm soát của mình.

Nhược điểm:

  • Hạn chế với điều kiện tín dụng với những điều khoản chặt chẽ
  • Sự kiểm soát của Ngân hàng đối với việc huy động và sử dụng tiền vay, đòi hỏi phải sử dụng đúng mục đích vay.

4.2.4 Trái phiếu

Trái phiếu là chứng chỉ vay vốn do doanh nghiệp phát hành thể hiện nghĩa vụ và cam kết của doanh nghiệp thanh toán lợi tức và tiền vay cho người nắm giữ, trái phiếu có đặc điểm sau:

  • Trái phiếu là chứng khoán nợ, việc phát hành trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn;
  • Trái phiếu có kỳ hạn thanh toán nhất định và thông thường được xác định trước;
  • Lợi tức trái phiếu không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty, khi công ty bị thanh lý giải thể thì người sở hữu trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước người sở hữu cổ phiếu;
  • Người sở hữu trái phiếu không có quyền tham gia quản lý công ty.

Ưu điểm:

  • Lợi tức được trừ vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNDN
  • Lợi tức được giới hạn ở mức độ nhất định, thường thấp hơn cổ phiếu ưu đãi
  • Không phải chia sẻ quyền phân chia lợi nhuận cao cho các trái chủ
  • Không phải chia sẻ quyền quản lý và quyền kiểm soát doanh nghiệp cho các trái chủ
  • Chi phí phát hành trái phiếu thường thấp hơn so với cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi

Nhược điểm:

  • Buộc phải trả lợi tức cố định đúng thời hạn đã quy định trước
  • Tăng hệ số nợ của doanh nghiệp
  • Phải trả nợ gốc đúng hạn (khác với cổ phiếu ưu đãi thì không bắt buộc phải trả lợi tức cố định đúng hạn mà có thể trì hoãn sang kỳ sau)

Một số lưu ý khi sử dụng trái phiếu:

  • Đối với doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận được đánh giá là ổn định và tăng trưởng trong tương lai thì việc sử dụng trái phiếu là hợp lý
  • Cần xem xét hệ số nợ hiện tại của doanh nghiệp: Nếu ở mức thấp thì phù hợp nhưng nếu đã ở mức cao thì cần cẩn trọng.

Nhìn chung, mỗi doanh nghiệp nên phân tích đặc điểm kinh doanh, tình hình nội tại của doanh nghiệp cũng như hoàn cảnh kinh tế thị trường để có thể lựa chọn các hình thức huy động vốn khác nhau phù hợp với mình trong từng giai đoạn.

Ngày nay, trong điều kiện thị trường vốn ngày càng phát triển mạnh, các chủ doanh nghiệp cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, liên tục cập nhật các hình thức huy động vốn hiệu quả để bắt kịp xu thế, không bỏ lỡ các cơ hội phát triển và đưa doanh nghiệp mình tới thành công.

Học thử 2 buổi miễn phí tại KẾ TOÁN IQ:

Xem thêm

 

TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN IQ ĐỊA CHỈ CÁC CƠ SỞ HỌC
Hotline: 0977888060 / 0784434999 1. Cơ sở Phú Thọ: Số 3305 ĐL.Hùng Vương, Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ
Email: daotaoketoaniq@gmail.com 2. Cơ sở Hà Nội: 1705- CT2B Hanoi Homeland, 23 Thượng Thanh Long Biên Hà Nội
3. Cơ sở TP.Hồ Chí Minh: Số 345/51/8 Bình Thành, Bình Hưng Hoà, Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh

Bản quyền thuộc về: TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN IQ DMCA.com TRUNG TÂM ĐÀO TẠO KẾ TOÁN IQ