KẾ TOÁN LƯU Ý Quy định ngày nghỉ, cách tính tiền lương làm thêm giờ & quy định các khoản thưởng khi tính thuế đối với dịp lễ 2/9
Quy định ngày nghỉ, cách tính tiền lương làm thêm giờ & quy định các khoản thưởng khi tính thuế đối với dịp lễ 2/9
Kỳ nghỉ lễ 02/09 sắp tới, trước nghỉ lễ thông thường các công ty hay có các khoản thưởng dành cho cán bộ nhân viên công ty để động viên, khích lệ tinh thần làm việc của nhân viên. Ngoài ra ngày 02/09 cũng là thời điểm bước sang tháng cuối của quý 3 năm 2023 do đó các bạn kế toán cần đặc biệt chú ý.
- Những quy định mới về số ngày nghỉ lễ dịp 2/9/2023 và việc kế toán cần làm ngay
1.1 Quy định về ngày nghỉ hưởng nguyên lương và lương làm thêm giờ vào dịp lễ
* Quy định về số ngày được nghỉ hưởng nguyên lương dịp lễ ngày 2/9/2023:
Theo thông báo từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, theo hướng dẫn tại Công văn 8056/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm 2023, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ nghỉ 4 ngày liên tục, từ thứ sáu (ngày 1/9) đến hết thứ hai (ngày 4/9).
Tuy nhiên, thực tế không phải cả 4 ngày nghỉ lễ 02/09 trên đều được hưởng nguyên lương mà theo quy định mới thì năm 2023 số ngày nghỉ lễ được hưởng nguyên lương dịp 02/09 là được 02 ngày.
Quy định về số ngày được nghỉ hưởng nguyên lương dịp lễ ngày 2/9 theo Bộ luật Lao động như sau:
Chi tiết:
Điểm mới: Căn cứ theo Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 mới nhất có hiệu lực từ 01/01/2021 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 là 02 ngày (trong đó: ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).
Trước đây: theo Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương vào dịp lễ Quốc khánh 2/9 là chỉ có 01 ngày.
Lưu ý: Với những doanh nghiệp có ngày làm việc thông thường là làm sáng thứ 7 hoặc làm cả ngày thứ 7 thì số ngày nghỉ lễ dịp 2/9 sẽ là 3,5 ngày và 3 ngày tương ứng.
Với những doanh nghiệp làm việc sáng thứ 7, doanh nghiệp có thể xem xét việc cho nhân viên nghỉ trọn vẹn 4 ngày và sắp xếp làm bù nửa ngày thứ 7 vào tuần liền trước hoặc liền sau nghỉ lễ để thuận tiện cho cán bộ nhân viên sắp xếp công việc và di chuyển trong dịp nghỉ lễ.
* Quy định về tiền lương và tiền lương làm thêm giờ dịp lễ Quốc khánh (02/9/2023)
Căn cứ theo điểm đ, khoản 1, Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 và căn cứ theo Điều 55,56,57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định trong ngày lễ Quốc khánh (02/9/2023) người lao động được nghỉ 02 làm việc hưởng nguyên lương.
Nếu người lao động làm thêm những ngày nghỉ lễ này thì tiền lương được tính như sau:
Chi tiết quy định xem tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 55,56,57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
“- Làm thêm ban ngày: Được trả ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ đối với người lao động hưởng lương ngày (tổng cộng là 400%).
– Làm thêm ban đêm: Được trả ít nhất bằng mức tiền lương làm thêm ban ngày + tiền lương trả thêm khi làm vào ban đêm + tiền lương trả thêm khi làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ lễ. Trong đó: + Làm vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường. + Trường hợp làm thêm giờ vào ban đêm thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày nghỉ lễ. Do đó, người lao động làm thêm vào ban đêm của ngày nghỉ lễ Quốc khánh sẽ được hưởng 490% tiền lương của ngày làm việc bình thường.” |
1.2 Doanh nghiệp có bắt buộc chi thưởng người lao động trong dịp nghỉ lễ 2/9
Căn cứ theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 thì: “thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.”
Về mặt lý thuyết, căn cứ theo quy định nêu trên thì tiền thưởng nói chung và tiền thưởng cho người lao động dịp lễ Quốc khánh 02/09 nói riêng không mang tính bắt buộc mà do người sử dụng lao động quyết định và thường dựa vào kết quả kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Do đó, để biết được dịp lễ Quốc khánh 02/09 doanh nghiệp có thưởng cho người lao động hay không, nếu thưởng thì mức tiền thưởng là bao nhiêu thì bạn cần xem xét các văn bản như: Quy chế lao động, Quy chế lương thưởng, Quy chế tài chính, Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể… của công ty để biết điều kiện cũng như mức thưởng cụ thể.
Trường hợp người lao động đã thỏa mãn điều kiện thưởng thì công ty phải chi thưởng theo đúng quy định tại các văn bản nêu trên.
Trên thực tế, để giúp người lao động có thêm khoản chi phí đi lại, di chuyển trong dịp nghỉ lễ, tăng cường tinh thần làm việc và tính gắn kết với doanh nghiệp, thông thường các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều có khoản chi thưởng tới người lao động trong dịp Quốc khánh 2/9. Số tiền thưởng có thể từ vài trăm ngàn đến vài triệu, thậm chí vài chục, trăm triệu… tùy vào điều kiện kinh tế của từng doanh nghiệp và có thể là vị trí, mức độ đóng góp và cống hiến của nhân viên trong một khoảng thời gian…
1.3 Các lưu ý cần làm trước và ngay sau dịp lễ
Do thời gian nghỉ lễ khá dài nên trước hoặc sau khi nghỉ Lễ Quốc khánh 02/09 xong thì anh/chị kế toán cần phải làm ngay các công việc sau để đảm bảo công việc được thuận lợi và an toàn, tránh gặp khó khăn về sau do quá thời hạn thực hiện.
– Thực hiện lập và xuất hóa đơn của kỳ tháng 8 trước dịp nghỉ lễ 02/09 tránh bị phạt xuất hóa đơn sai thời điểm.
– Tập hợp hóa đơn mua vào bán ra tháng 8 đầy đủ chuẩn bị cho kê khai tháng 8 đối với doanh nghiệp kê khai theo tháng, tránh bỏ sót hóa đơn hoặc ghi nhận hóa đơn sai thời điểm.
– Ngoài ra, thời điểm kết thúc kỳ kế toán tháng, kế toán cần rà soát lại các khoản mục doanh thu, chi phí, các nội dung công việc kế toán đã phát sinh trong tháng để gói ghém công việc, lập các báo cáo kế toán quản trị theo yêu cầu của chủ doanh nghiệp.
- Cách xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN với các khoản thưởng mùng 02/09
Những khoản chi thưởng cho người lao động trong dịp lễ mùng 02/09 năm 2023 thì doanh nghiệp có được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không?
Và người lao động có phải nộp thuế TNCN hay không? MISA AMIS sẽ chia sẻ đến các bạn chi tiết ngay dưới đây.
2.1. Hồ sơ chứng từ để các khoản chi thưởng cho người lao động trong dịp nghỉ lễ 02/09 được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN
Doanh nghiệp sẽ được trừ khoản chi thưởng, khoản lợi ích, bổ sung khác cho người lao động trong năm nếu các khoản này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau:
Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.
(Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC và khoản 2.30 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung điểm 2.31 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC).
Doanh nghiệp cần hoàn thiện các hồ sơ tài liệu, chứng từ chứng minh như sau:
Chi tiết:
- Khoản chi thưởng này cần được quy định cụ thể rõ ràng trong một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động, Quy chế tài chính doanh nghiệp, Thỏa ước lao động tập thể…
- Chứng từ thanh toán khoản chi thưởng phúc lợi cho người lao động. Ngoài ra nếu khoản chi là bằng hiện vật mua ngoài thì cần có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định. Nếu chi bằng tiền cần có phiếu chi hoặc ủy nhiệm chi theo quy định.
Chú ý: Riêng đối với các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác thì
=> Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
2.2. Hướng dẫn cách hạch toán khoản chi thưởng ngày lễ mùng 02/09 vào sổ kế toán
Đối với khoản chi thưởng này, các kế toán cần thực hiện hạch toán theo đúng chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
Chi tiết:
Bước 1: Tính khoản chi thưởng ngày lễ:
Nợ TK 642, 641, 627… (Tuỳ theo yêu cầu quản lý và bộ phận công ty để hạch toán)
Có TK 334: Phải trả cho người lao động
Bước 2: Chi trả thưởng cho người lao động
Nợ TK 334: Phải trả cho người lao động
Có TK 111, 112: Số tiền thưởng trả cho người lao động
Lưu ý: Đối với trường hợp khoản thưởng là hiện vật, hàng hóa thì doanh nghiệp cần xuất hóa đơn như bán hàng hóa thông thường.
2.3. Khoản chi thưởng này người lao động có phải nộp thuế TNCN không?
Khoản chi thưởng ngày 02/09 là khoản thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động, theo đó các bạn kế toán cần chú ý tính và đưa khoản này vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động khi tính thuế thu nhập cá nhân hàng tháng/hàng quý và quyết toán thuế TNCN cuối năm của người lao động.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về các khoản thu nhập chịu thuế TNCN, cụ thể như sau:
“2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm:
… e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán”. |
2.4 Tiền lương làm thêm giờ ngày lễ 02/09 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân?
Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ thì thuộc đối tượng không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do làm việc thêm giờ, làm đêm | = | Tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ | – | Tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường |
*Ví dụ:
Ông Hà có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 30.000 đồng/giờ.
– Trường hợp cá nhân ông làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ 02/09 vào ban ngày thì cá nhân được trả 300% tiền làm thêm giờ và 100% hưởng nguyên lương, tổng cộng lương là 400%.
Ví dụ ông Hà đi làm đủ 8h ngày 02/09/2023 thì số tiền ông được nhận là:
Tổng tiền lương, tiền công thực trả = tiền làm thêm giờ ngày lễ + tiền lương hưởng nguyên lương = 300%*8h*30.000đ/giờ+100%*8h*30.000đ/giờ = 960.000đ
Tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường= tiền lương hưởng nguyên lương = 100%*8h*30.000đ/giờ = 240.000đ
Như vậy phần thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế là: 960.000đ – 240.000đ =720.000đ
Còn 240.000đ sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Kết luận
Như vậy, trước khi dịp nghỉ lễ 02/09 diễn ra các bạn kế toán cần sắp xếp thời gian, đối chiếu kế hoạch công việc của mình đảm bảo nộp đủ tờ khai thuế (nếu có), cũng như tập hợp đầy đủ hóa đơn chứng từ trước chuẩn bị cho kỳ kê khai tháng 8 sắp tới (nếu doanh nghiệp kê khai theo tháng).
Ngoài ra, khi phát sinh các khoản thưởng cho người lao động thì các bạn cần hạch toán và tập hợp đầy đủ hồ sơ chứng từ cũng như xác định nghĩa vụ thuế TNCN với cá nhân người lao động đó để đảm bảo theo quy định của luật thuế.